Từ đầu năm 2019, do việc thay đổi mức lương tối thiểu vùng, nhiều doanh nghiệp phải tiến hành điều chỉnh lại thang lương, bảng lương. Dưới đây, chúng tôi xin gửi đến quý thành viên 04 câu hỏi doanh nghiệp thường thắc mắc khi điều chỉnh thang lương, bảng lương theo lương tối thiểu vùng năm 2019.
1. Lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng thì doanh nghiệp có bắt buộc phải điều chỉnh lại thang lương, bảng lương không?
Quy định tại Nghị định 157/2018/NĐ-CP, thì mức lương tối thiểu vùng trong năm 2019 đã tăng so với mức lương tối thiểu vùng năm 2018.
Theo đó, Khi xây dựng thang lương, bảng lương doanh nghiệp phải căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng hiện hành để quy định mức lương cho từng chức danh, công việc, nhóm công việc sao cho phù hợp với các nguyên tắc mà pháp luật quy định. Cụ thể:
– Mức lương thấp nhất của công việc, chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng;
– Mức lương thấp nhất của công việc, chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;
– So với mức lương của công việc, chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường thì mức lương của công việc, chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc, chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7%.
Tuy nhiên, lương tối thiểu vùng tăng không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải làm lại thang lương bảng lương. Việc điều chỉnh hay không phụ thuộc vào thang bảng lương hiện tại của doanh nghiệp:
Trường hợp 01: Mức lương thấp nhất của công việc giản đơn nhất trong thang, bảng lương hiện tại của doanh nghiệp bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp không bắt buộc phải điều chỉnh lại thang lương, bảng lương vì mức lương này đã đáp ứng điều kiện không thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Có nhiều doanh nghiệp vẫn hay cho rằng đối với mức lương thấp nhất trong thang lương, bảng lương phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Nhưng thật ra, luật chỉ quy định là “không được thấp hơn” chứ không quy định mức lương này phải cao hơn lương tối thiểu vùng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp khi xây dựng thang lương bảng lương, vẫn thường quy định mức lương này cao hơn mức lương tối thiểu vùng để phòng trường hợp cứ mỗi lần thay đổi mức lương tối thiểu vùng lại phải tiến hành điều chỉnh thang lương, bảng lương.
Ví dụ: Trong năm 2018, doanh nghiệp A (thuộc vùng I) xây dựng thang lương,bảng lương như dưới đây:
CHỨC DANH CÔNG VIỆC |
BẬC LƯƠNG |
||||
I |
II |
III |
IV |
V |
|
1. Giám đốc công ty | |||||
– Mức lương | 5.700.000 | 5.985.000 | 6.284.000 | 6.598.000 | 6.928.000 |
2. Phó Giám đốc, Kế toán trưởng | |||||
– Mức lương | 5.100.000 | 5.355.000 | 5.623.000 | 5.904.000 | 6.199.000 |
3. Trưởng phòng hành chính, kinh doanh, kỹ thuật | |||||
– Mức lương | 4.620.000 | 4.851.000 | 5.093.550 | 5.348.230 | 5.615.640 |
4. Trợ lý giám đốc, Lập trình viên, Dịch thuật, Pháp chế, Chuyên viên phân tích | |||||
– Mức lương | 4.535.000 | 4.761.750 | 4.999.840 | 5.249.830 | 5.512.320 |
5. Nhân viên văn phòng, chăm sóc khách hàng, hỗ trợ khách hàng, hỗ trợ kỹ thuật | |||||
– Mức lương | 4.500.000 | 4.761.750 | 4.961.000 | 5.209.000 | 5.470.000 |
6. Tạp vụ | |||||
– Mức lương | 4.180.000 | 4.389.000 | 4.608.450 | 5.080.820 | 5.334.860 |
Theo đó, xét từ mức lương thấp nhất của công việc giản đơn nhất, thì mức lương của nhân viên tạp vụ là 4.180.000, bằng với hoặc mức lương tối thiểu vùng. Vì vậy, khi tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2019, doanh nghiệp A không cần phải làm lại thang lương, bảng lương.
Trường hợp 02: Mức lương thấp nhất của công việc giản đơn nhất trong thang, bảng lương hiện tại của doanh nghiệp thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Theo đó, khi có sự thay đổi về mức lương tối thiểu vùng mà mức lương tối thiểu trong thang bảng lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hiện tại thì doanh nghiệp cũng phải xây dựng lại thang bảng lương cho phù hợp với mức lương tối thiểu vùng năm 2019.
Đồng thời, doanh nghiệp phải thực hiện thông báo Thang lương, Bảng lương của mình với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội và thực hiện đăng ký điều chỉnh đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội khi thay đổi mức lương của người lao động thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Quay lại với Ví dụ ở trên, giả sử mức lương của nhân viên tạp vụ hiện tại là 4.100.000 (< 4.180.000) thì đương nhiên doanh nghiệp phải điều chỉnh lại thang lương, bảng lương trong đó sửa đổi lại mức lương của nhân viên tạp vụ này, tức là phải tăng mức lương của tạp vụ lên ít nhất là 80.000 để đảm bảo mức lương này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
2. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP thì khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%.
Số bậc của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp quyết định căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi.
Trở lại ví dụ ở đầu bài viết, mức lương của nhân viên văn phòng, chăm sóc khách hàng, hỗ trợ khách hàng, hỗ trợ kỹ thuật cụ thể như sau:
Chức danh |
Bậc I |
Bậc II |
Bậc III |
Bậc IV |
Bậc V |
Nhân viên văn phòng, chăm sóc khách hàng, hỗ trợ khách hàng, hỗ trợ kỹ thuật | 4.500.000 | 4.761.750 | 4.961.000 | 5.209.000 | 5.470.000 |
Theo đó, mức lương Bậc II cao hơn mức lương bậc I là 5%, mức lương bậc III cao hơn mức lương bậc II là 5%, mức lương bậc IV cao hơn mức lương bậc III là 5%, mức lương bậc V cao hơn mức lương bậc IV là 5%.
Lưu ý : Bậc lương chỉ xét trên một vị trí công việc, là sự sắp xếp theo chiều ngang. Còn thang lương là sự sắp xếp theo chiều dọc của các vị trí khác nhau và có sự tăng giảm mức lương trong cùng một bậc.
3. Một doanh nghiệp có thể có nhiều bảng lương?
Luật không có quy định mỗi doanh nghiệp chỉ được xây dựng một thang lương, bảng lương. Vì vậy, một doanh nghiệp có thể xây dựng nhiều thang lương, bảng lương.
Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể lập một bảng lương cho các lao động quản lý, một bảng lương cho các lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phục vụ.
4. Doanh nghiệp dưới 10 lao động thì không phải xây dựng thang lương, bảng lương
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 121/2018/NĐ-CP, thì đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động sẽ được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, tại Nghị định 121/2018/NĐ-CP chỉ quy định doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương mà không quy định doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn xây dựng thang lương, bảng lương.
Do đó, doanh nghiệp dưới 10 lao động vẫn phải xây dựng thang lương, bảng lương và doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu không xây dựng thang lương theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 của Nghị định 88/2015/NĐ-CP.
Luathungphuc.vn
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc