05 điều cốt lõi cần lưu ý khi giao kết hợp đồng thương mại

Hùng Phúc VP Luật sư 59 lượt xem Doanh nghiệp, Theo dòng thời sự pháp lý

Trong quá trình giao kết hợp đồng nói chung, đặc biệt là các hợp đồng thương mại nói riêng thì việc xảy ra các tranh chấp phát sinh là điều không thể tránh khỏi. Hiểu được điều đó, chúng tôi xin giới thiệu tới quý thành viên 05 điều cốt lõi cần lưu ý khi giao kết hợp đồng thương mại sau đây:

Ảnh minh họa – Văn phòng Luật sư Hùng Phúc

Thứ nhất, về hình thức hợp đồng:

Hợp đồng có thể được thể hiện dưới hình thức bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Tuy nhiên, để tránh những tranh chấp phát sinh sau này do sự không minh bạch, rõ ràng … thì hợp đồng cần được thể hiện dưới dạng văn bản. Đây cũng là cơ sở pháp lý để có thể chứng minh và đảm bảo quyền lợi của các bên.

Thứ hai, về chủ thể giao kết hợp đồng:

Các bên cần kiểm tra tư cách của người giao kết hợp đồng có đúng pháp luật hay chưa? Đó là người đại điện theo pháp luật hay người đại diện theo ủy quyền?

Nếu là người đại diện theo ủy quyền thì bắt buộc phải có giấy ủy quyền và cũng cần xem xét kỹ nội dung trong giấy ủy quyền như: phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền, giấy ủy quyền có được đóng dấu hợp lệ không … Nếu không chẳng may có tranh chấp xảy ra thì chính việc giao kết hợp đồng với người không đúng thẩm quyền sẽ khiến cho hợp đồng có thể bị vô hiệu.

Thứ ba, về nội dung hợp đồng:

Khi ký kết hợp đồng thì các bên cần phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các nội dung cơ bản cần có trong một hợp đồng. Đặc biệt, để tránh thiếu sót điều khoản thì các bên cần phải lưu ý các điều khoản nào bắt buộc phải có trong hợp đồng, điều khoản nào có thể thỏa thuận và điều khoản nào không thỏa thuận thì sẽ được thực hiện theo pháp luật. Cụ thể, về các điều khoản trong một hợp đồng có thể được chia thành 03 nhóm sau đây:

Điều khoản bắt buộc

Điều khoản thường lệ

Điều khoản tùy nghi

Là những điều khoản không thể thiếu được đối với từng loại hợp đồng. Nếu không thoả thuận được những điều khoản đó thì hợp đồng không thể giao kết được.

Nói cách khác, nội dung của các điều khoản bắt buộc chính là cốt lõi các nội dung mà hai bên đã thỏa thuận và thống nhất. Nếu không có các điều khoản bắt buộc này, hợp đồng không đầy đủ nội dung sẽ dẫn đến vô hiệu.

Ví dụ:

Đối với một hợp đồng mua bán hàng hóa thì các điều khoản bắt buộc phải có như: Điều khoản về đối tượng hợp đồng, số lượng , chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, v.v.

Là những điều khoản được pháp luật quy định trước. Nếu khi giao kết hợp đồng, các bên không thoả thuận những điều khoản này thì vẫn coi như hai bên đã mặc nhiên thoả thuận và được thực hiện như pháp luật đã quy định.

Ví dụ:

Địa điểm giao kết hợp đồng thì do các bên thoả thuận, nếu không có thoả thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng. Ở đây nếu các bên không thỏa thuận địa điểm giao kết hợp đồng thì sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật (Chi tiết tại Điều 399 của Bộ luật Dân sự 2013)

Khi giao kết hợp đồng các bên còn có thể thoả thuận để xác định thêm một số điều khoản khác nhằm làm cho nội dung của hợp đồng được cụ thể hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Các điều khoản này được gọi là điều khoản tùy nghi.

Ví dụ:

Điều khoản về phạt vi phạm hợp đồng, điều khoản về bất khả kháng, điều khoản về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài … Đối với các điều khoản này các bên có thể thỏa thuận cho phù hợp với tình hình thực tế của các bên.

Lưu ý: Các bên cần thỏa thuận rõ điều khoản về quyền và nghĩa vụ của mình khi thực hiện hợp đồng cũng như các điều khoản nhằm hạn chế tối đa những tranh chấp có thể xảy ra như: Điều khoản về phạt vi phạm hợp đồng; Điều khoản về giải quyết tranh chấp …

Thứ tư, ngôn từ sử dụng trong hợp đồng

Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng cần phải được sử dụng một cách mạch lạc, rõ ràng, tránh những từ mang nghĩa “bóng”, hàm ý, dễ hiểu lầm, hiểu sai hoặc các từ viết sai chính tả dẫn đến sai nghĩa …

Và hơn hết, các bên nên đọc kỹ từng câu, từng chữ trong hợp đồng để có thể phát hiện sớm những rủi ro tiềm ẩn.

Cuối cùng, về thực hiện hợp đồng:

Các bên cần chú ý tới “Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng”: có thể hiệu lực ngay sau khi giao kết hay bắt đầu từ một ngày nào đó do hai bên ấn định hay có cần đáp ứng điều kiện nào thì hợp đồng mới có hiệu lực hay không? Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực thì các bên phải thực hiện đúng các nội dung đã giao kết trong hợp đồng.

Rủi ro với các tình huống phát sinh chưa được giao kết trong hợp đồng:

Trong quá trình thực hiện hợp đồng thì có thể phát sinh những tình huống khó khăn, bất lợi mà các bên không thể tiên lượng trước được thì để giải quyết các tình huống này, các bên có thể thỏa thuận với nhau để sửa đổi, bổ sung điều chỉnh lại hợp đồng cho phù hợp hoặc hủy bỏ một hoặc toàn bộ hợp đồng. Tuy nhiên, các thỏa thuận này phải được cả 02 bên đồng ý.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.