Theo thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế ngày càng tăng nhanh và có thể là một xu hướng nổi bật hiện nay. Vậy điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư như thế nào? Ưu nhược điểm của loại hình này so với thủ tục đầu tư thành lập pháp nhân mới của nhà đầu tư nước ngoài? Để hỗ trợ khách hàng lựa chọn được hình thức đầu tư phù hợp, Văn phòng Luật sư Hùng Phúc xin đưa ra các phân tích cụ thể về hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài trong bài viết này.
Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài được hiểu như thế nào?
Theo quy định pháp luật hiện hành, không có khái niệm cụ thể về hình thức đầu tư này. Chúng ta có thể hiểu đây là hình thức nhà đầu tư nước ngoài thực hiện nhận chuyển nhượng vốn góp, cổ phần hoặc góp thêm vốn mới vào các doanh nghiệp đã được thành lập tại Việt Nam. Doanh nghiệp này có thể là doanh nghiệp 100% vốn trong nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Các hình thức nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào tổ chức kinh tế:
- Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
- Góp vốn vào công ty TNHH hoặc công ty hợp danh;
- Góp vốn vào các tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp trên;
Các hình thức mua cổ phần, phần vốn góp bao gồm:
- Mua cổ phần từ công ty hoặc cổ đông của Công ty đó;
- Mua phần vốn góp của các thành viên góp vốn trong công ty TNHH để trở thành thành viên của công ty;
- Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn trong công ty;
- Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc các trường hợp nêu trên;
Điều kiện thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế:
Căn cứ, quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài chỉ thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau:
- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
- Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tưnắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên 51% trở lên và tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức kinh tế.
Trình tự, thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào tổ chức kinh tế được thực hiện như sau:
Bước 1: Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính.
Bộ hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
- Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.
Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài và thông báo cho nhà đầu tư.
Bước 3: Sau khi nhận được thông báo trên, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
Ưu nhược điểm của hình thức đầu tư này
So với loại hình đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới, thủ tục thực hiện đối với loại hình này đơn giản, tiết kiệm thời gian, tận dụng được các điều kiện về nhà xưởng, mặt bằng kinh doanh, nhân công mà doanh nghiệp trong nước đã gây dựng.
Tuy nhiên, một số ngành nghề kinh doanh có thể bị hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần/vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Trong một số trường hợp, nhà đầu tư cũng phải giải quyết các vướng mắc, khoản nợ mà tổ chức kinh tế đó đang gặp phải.
Như vậy, trước khi lựa chọn loại hình đầu tư này, nhà đầu tư phải tìm hiểu rõ về tư cách pháp lý, khả năng tài chính của tổ chức kinh tế dự kiến đầu tư. Liên quan đến thủ tục này, Văn phòng luật sư Hùng Phúc xin cung cấp các thủ tục pháp lý như sau:
- Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế của Nhà đầu tư nước ngoài;
- Thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư đối với hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới;
- Thủ tục chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế;
- Dịch vụ tư vấn, rà soát tư cách pháp lý của doanh nghiệp;
- Dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên cho doanh nghiệp
Xem thêm:
- Fanpage: Văn phòng Luật sư Hùng Phúc
- Giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
Luathungphuc.vn
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc