Tuyên Quang: Đừng để người dân bị vu oan giá họa

Điểm mấu chốt, quyết định trong vụ án Trần Minh Tư (ở thôn Cây Đa 1, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) bị quy kết phạm tội ‘cố ý gây thương tích’ là phải trả lời cho bằng được câu hỏi: Thương tích của bị hại Thăng Minh Quang từ đâu mà có? Có phải do bị can Tư gây ra hay không?

Chứng cứ giống nhau, kết luận trái ngược
Theo quy định tại Điều 232 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra (CQĐT) phải ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.

Trần Minh Tư diễn tả lại quá trình xảy ra vụ xô xát.

Nói cách khác, đối với 1 hành vi trong 1 vụ án không thể vừa có tội, lại vừa không có tội. Nguyên tắc đó tưởng là hiển nhiên nhưng khi xem xét 2 bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) lại khiến người ta không khỏi ngạc nhiên, không thể tin vào những gì được viết ra bằng giấy trắng mực đen, có triện đỏ đàng hoàng.
Cụ thể, tại bản kết luận điều tra (KLĐT) lại vụ án hình sự số 01/KLĐT ngày 24/6/2017 và bản KLĐT vụ án hình sự đề nghị truy tố số 22/KLĐT ngày 26/2/2018 đối với vụ:
Trần Minh Tư cố ý gây thương tích, xảy ra ngày 14/6/2013 tại thôn Cây Đa 1, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, phần diễn biến hành vi phạm tội của 2 bản KLĐT có nhiều câu, đoạn giống nhau đến từng dấu chấm, dấu phẩy.
Chỉ có 1 số từ khác nhau nhưng lại đồng nghĩa. Theo đó, diễn biến vụ việc có thể tóm tắt như sau: Sáng ngày 14/6/2013, gia đình ông Thăng Văn Chân (SN 1947, trú tại Thôn Cây Đa I, xã Ninh Lai) đào móng xây tường bao quanh nhà.
Ông Chân có nhờ 3 người con, trong đó có Thăng Minh Quang (SN 1975, trú tại thôn Hoàng La 1, xã Ninh Lai) đến làm hộ.
Trong khi đào móng, Quang có nhổ cỏ voi được trồng ở bờ đất ranh giới giữa gia đình ông Chân và gia đình Trần Minh Tư nên giữa chị Trương Thị Trần (vợ Tư) và Quang xảy ra cãi vã.
Lúc này, Tư từ trong nhà chạy ra cãi nhau với Quang. Tiếp đó, Quang xông đến gần, dùng tay phải đấm hai phát vào mặt Tư.
Tư cúi xuống ven đường nhặt 3 hòn đá ném về phía Quang. Tư chạy đến gần Quang giằng lấy chiếc xẻng Quang đang cầm, du Quang ngã xuống đường.
Tư dùng cán xẻng chọc vào phía mặt của Quang thì được ông Chân giằng lấy chiếc xẻng nên Tư bỏ xẻng lại và đi về.
Tiếp đó, cả hai bản kết luận số 22 và 01 nói trên đều sử dụng các thông tin từ: Kết luận giám định số 168/2013TgT ngày 13/8/2013 của Trung tâm pháp y tỉnh Tuyên Quang; Kết luận giám định pháp y hồ sơ số 1286 của Viện KHHS Bộ Công an; Kết luận giám định pháp y về thương tích số 18/17/TgT của Viện pháp y Quốc gia.
Phần nội dung này của hai bản kết luận giống nhau đến từng câu từng chữ. Nói cách khác, nội dung và các chứng cứ mà hai bản KLĐT đưa ra trùng khít với nhau.
Thế nhưng, phần kết luận của 2 bản KLĐT lại ngược nhau hoàn toàn là một điều vô cùng phi lý. Cụ thể, KLĐT số 01 ngày 24/6/2017, Cơ quan CSĐT CA huyện Sơn Dương kết luận:
“Ngày 14/6/2013, Trần Minh Tư và Thăng Minh Quang có xảy ra đánh nhau. Nhưng các thương tích của Thăng Minh Quang (…), theo các kết luận giám định nêu trên, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sơn Dương đã tiến hành điều tra, xác minh, nhưng thấy không có đủ căn cứ kết luận các thương tích nêu trên là do Trần Minh Tư gây nên.
Vì vậy, không đủ căn cứ xác định Trần Minh Tư phạm tội Cố ý gây thương tích”. Cùng ngày, Cơ quan CSĐT có quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự số 03.
Kết luận tưởng đã rõ nhưng 6 tháng sau, ngày 20/12/2017, Cơ quan CSĐT công an huyện Sơn Dương bất ngờ có quyết định phục hồi điều tra số 01.
Và mặc dù nội dung vụ án và các chứng cứ không có gì mới, nhưng không biết căn cứ vào đâu, CQ CSĐT CA Huyện Sơn Dương lại “quay ngoắt” 180 độ để kết luận:
“Có đủ cơ sở kết luận: bị can Trần Minh Tư có hành vi dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho người khác,…, hành vi của Trần Minh Tư phạm tội Cố ý gây thương tích cho người khác”.
Theo quy định tai Điều 13 Bộ luật TTHS quy định “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Quay trở lại sự trái ngược trong 2 bản KLĐT nói trên khiến dư luận không khỏi hoài nghi. Bởi lẽ, 1 hành vi chỉ có thể đúng hoặc sai, chỉ có thể có tội hoặc không có tội.
Thế nhưng, ở đây, mặc dù diễn biến và tình tiết vụ việc không khác nhau nhưng KLĐT số 22 lại trái ngược hoàn toàn với KLĐT số 01 là điều khó có thể chấp nhận.
Không há mồm nổi 1cm vẫn ăn cơm bình thường?!
Căn cứ để cơ quan CSĐT đề nghị truy tố với Trần Minh Tư (tại KLĐT số 22 ngày 26/2/2018) là bản kết luận giám định số 168/2013TgT của Trung tâm pháp y tỉnh Tuyên Quang.
Trong đó, thương tích nặng nhất là “gãy xương hàm dưới, trật khớp thái dương hàm trái, sai khớp cắn, khít hàm: 45%”.
Điều đáng nói, sự việc xô xát xảy ra ngày 14/6/2013, sau đó, Quang được người nhà đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, từ ngày 14/6/2013 đến ngày 20/6/2013, Quang chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Công an tỉnh Tuyên Quang. Đến ngày 28/6/2013 được xuất viện về nhà.
Tuy nhiên, “các tài liệu trong Bệnh án tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang và Bệnh viện Công an tỉnh Tuyên Quang đều cho thấy: anh Quang nhập viện điều trị với kết luận “chấn động não”; cả 2 bệnh án đều không thể hiện y lệnh điều trị vùng răng, hàm, mặt của anh Quang; hồ sơ không có phim chụp thương tích vùng răng, hàm, mặt của anh Quang.
Do vậy, các tài liệu trong bệnh án của các Bệnh viện Tuyên Quang chưa cho thấy anh Quang bị gãy xương hàm dưới” (trích Kháng nghị của TAND tối cao).
Thế nhưng, sau 5 ngày kể từ xuất viện với kết luận “đã khỏi”, sau 19 ngày kể từ xảy ra sự việc xô xát, ngày 3/7/2013, Thăng Minh Quang bất ngờ nhập viện “cấp cứu” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc với chuẩn đoán và kết quả chụp CT “gãy xương hàm dưới vùng cằm”.
Trao đổi với 1 số bác sĩ chuyên ngành đều cho rằng, gãy xương hàm dưới là tổn thương cấp tính nên dấu hiệu bệnh lý sẽ bộc lộ ngay sau khi bị gãy. Bản kết luận giám định pháp y số 18/17/TgT của Viện Pháp y Quốc gia cũng khẳng định: “Nếu xương hàm bị gãy kín thì động tác ăn nhai khó”.
Ngoài ra, bản kết luận pháp y của Trung tâm pháp y Tuyên Quang còn ghi nhận tình trạng lâm sàng vùng RHM của Thăng Minh Quang: “Xương hàm dưới bị đẩy lệnh sang bên phải, khớp cắn lệch hoàn toàn, khớp thái dương hàm trái rỗng, cứng khớp hàm miệng há rộng dưới 1cm”.
Một người bình thường với tình trạng như trên chắc chắn sẽ không thể có khả năng nói và ăn nhai bình thường.
Thế nhưng, theo xác minh tại Trạm y tế xã Ninh Lai và các bệnh viện từ 14/6/2013 (ngày xảy ra vụ việc) đến 28/6/2013 (khi xuất viện tại BV Công an Tuyên Quang), anh Quang vẫn có khả năng nói chuyện, ăn uống bình thường.
“Tại bệnh án của BV Tuyên Quang cho thấy anh Quang nhập viện tỉnh táo, giao tiếp tốt, trong quá trình điều trị anh Quang ăn cơm.
Tại bệnh án BV Vĩnh Phúc cho thấy: trong quá trình điều trị anh Quang ăn cháo, ăn cơm; tại phiếu kết quả chụp CT Mặt cho thấy anh Quang không bị trật khớp thái dương hàm trái, không thấy di lệch bất thường; điều này phù hợp với lời khai của các nhân chứng” (trích kháng nghị của TAND tối cao).
Ngoài điểm bất thường về thương tích gãy xương hàm dưới như đã nói ở trên, kết luận giám định của Trung tâm pháp y Tuyên Quang còn cho thấy Thăng Minh Quang có 1 số thương tích khác.
Tuy nhiên, cũng giống như thương tích gãy xương hàm, thời điểm hình thành, lý do, cơ chế gây ra các thương tích này cũng đều chưa được cơ quan điều tra làm rõ.
“Dư luận hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn, những thương tích của Thăng Minh Quang xuất hiện sau và không xuất phát từ sự việc va chạm với Trần Minh Tư xảy ra ngày 14/6/2013.
Việc cố tình truy tố khi chưa đủ căn cứ khiến cho vụ án có dấu hiệu oan sai rất rõ”, luật sư Lâm Quang Ngọc (Đoàn Luật sư Tỉnh Vĩnh Phúc) nhận định. Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan vẫn còn những án oan sai.
Hậu quả của những vụ án oan không chỉ gây đau thương cho một gia đình mà hậu quả của nó còn sâu xa hơn nhiều. Đó là niềm tin vào công lý sẽ giảm dần kéo theo đó là nỗi lo sợ của người dân.
Nỗi lo thường trực ám ảnh “bỗng dưng bị mang cái vạ tầy đình”, bị “vu oan giá họa”, sau đó là ngồi tù, bản thân và gia đình chịu sự miệt thị của xã hội…
Để giảm và không xảy ra tình trạng oan, sai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 96/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
Một trong những yêu cầu của nghị quyết là, khi xác định đã có oan, sai phải kịp thời minh oan cho người bị oan, bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật.
Hay nói như Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí: “Khó có thể tránh được hết các án oan sai, nhưng cái chính là sai thì phải dũng cảm sửa, xử lý, khắc phục, không để oan sai nữa”.
Vụ án được khởi tố ngày 10/9/2013, sau đó phiên tòa sơ thẩm (ngày 26/12/2013), phiên tòa phúc thẩm (ngày 21/3/2014) đều đã tuyên xử Tư 6 năm tù về tội Cố ý gây thương tích. Tư đã bị bắt tạm giam từ ngày 12/9/2013.
Nhưng sau đó, trước nhiều vấn đề của vụ án chưa được làm rõ, TAND Tối cao đã có kháng nghị số 28/2015/HS-TK, sau đó Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội có quyết định giám đốc thẩm số 12/2015/HS-GĐT hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm nói trên, chuyển hồ sơ để điều tra lại theo thủ tục chung.
Ngày 23/2/2016, VKSND huyện Sơn Dương có quyết định 07/QĐ-KSĐT thay đổi biện pháp ngăn chặn, trả tự do cho Tư nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.

Hoàng Giang
Theo Báo Mới

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.