Hiện nay có rất nhiều các tác phẩm âm nhạc được cho là đạo nhái, ăn cắp ý tưởng từ các tác phẩm khác. Do đó, việc bảo hộ quyền tác giả cho các tác phẩm âm nhạc là vấn đề đáng quan tâm, dưới đây là điều kiện để tác phẩm âm nhạc được bảo hộ theo quy định của pháp luật hiện hành.
1. Khái niệm về quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc
Tác phẩm âm nhạc cũng là một tài sản được hình thành dựa trên trí tuệ và sức sáng tạo của con người, do đó, tác phẩm âm nhạc cũng được pháp luật bảo hộ dưới dạng quyền tác giả. Theo quy định của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, tác phẩm âm nhạc được định nghĩa là “Bất kỳ tác phẩm nào bao gồm âm thanh hoặc chỉ chứa các ký tự âm nhạc ngay cả khi không bao gồm lời hay bất kỳ hành động nào nhằm mục đích được hát, nói hay biểu diễn với âm nhạc”. Như vậy tác phẩm âm nhạc được hiểu là một loại âm thanh được sáng tạo không phụ thuộc vào có lời hoặc không.
Căn cứ theo định nghĩa nêu trên, tác phẩm âm nhạc cũng được định nghĩa tương tự tại Điều 10 Nghị định 22/2018/NĐ-CP như sau: Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.
Như vậy, quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là giới hạn và phạm vi quyền của chủ sở hữu hoặc tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Điều kiện để tác phẩm âm nhạc được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả
Cũng theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì quyền tác giả sẽ được bảo hộ kể từ khi mà tác phẩm được sáng tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Nghĩa là khi nào tác phẩm được tạo ra và con người có thể xác định được sự tồn tại của nó thì lúc này tác phẩm đó sẽ được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả. Do đó, đối với tác phẩm âm nhạc cũng vậy, khi nhạc sĩ chỉ mới sáng tạo ra giai điệu trong suy nghĩ của nhạc sĩ lúc này tác phẩm âm nhạc này chưa được bảo hộ. Chỉ khi nào, người nhạc sĩ tiến hành việc thể hiện tác phẩm đó dưới dạng hình thức vật chất nhất định (viết giai điệu, nốt nhạc vào giấy, thể hiện trên máy tính,…) thì quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc đó sẽ phát sinh.
Đồng thời, trong phạm vi quyền hạn quản lý nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng và bảo vệ lợi ích công thì Nhà nước có quyền ban hành các chính sách trong một số vấn đề để mọi tổ chức, cá nhân tuân thủ và dễ dàng hơn trong việc kiểm soát, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Trong nội dung chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 8 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, khoản 1 có quy định về việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh”. Do đó, để một tác phẩm được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả thì ngoài việc được được sáng tạo và được thể hiện dưới dạng vật chất nhất định thì nội dung của tác phẩm đó còn phải không trái đạo đức xã hội, trật tự công cộng, không gây hại cho quốc phòng, an ninh.
Như vậy, đối với một tác phẩm âm nhạc điều kiện để được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả bao gồm:
- Được sáng tạo và thể hiện dưới dạng một hình thức vật chất nhất định;
- Nội dung không trái đạo đức xã hội, trật tự công cộng, không gây hại cho quốc phòng, an ninh.
Và khi đáp ứng được hai điều kiện này, thì tại thời điểm thể hiện tác phẩm dưới dạng hình thức vật chất nhất định thì khi ấy quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc được phát sinh.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc