Hiện nay việc thỏa thuận chế độ tài sản trước khi cưới là việc làm khá phổ biến giữa các cặp vợ chồng. Thỏa thuận này nhằm giúp hạn chế rủi ro về mặt tài sản nếu như có biến cố xảy ra, tuy nhiên cũng dẫn đến rất nhiều mặt bất lợi. Vậy có nên thỏa thuận tài sản trước khi cưới hay không? Cùng Luật Hùng Phúc tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.
1. Thỏa thuận tài sản trước khi cưới là gì
Căn cứ theo Điều 47, 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thỏa thuận chế độ tài sản giữa vợ và chồng phải được xác lập trước khi cưới, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn. Nội dung cơ bản của thỏa thuận chế độ tài sản trước khi cưới bao gồm:
- Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
- Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
- Nội dung khác có liên quan.
Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:
- Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;
- Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;
- Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;
- Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.
Như nội dung bản thỏa thuận được quy định tại Điều 48 thì vấn đề chính trong văn bản thỏa thuận này là ai là chủ sở hữu của những tài sản hình thành trong hôn nhân, tài sản nào là tài sản riêng, tài sản nào sẽ là tài sản chung, số tiền nào dành ra cho việc kinh doanh,…
Bằng việc thiết lập sự thỏa thuận đó, vợ chồng có thể dễ dàng hơn trong việc sử dụng tài sản. Cũng nhờ văn bản này, các bên sẽ giảm thiểu những tranh chấp, cãi vã về việc sự dụng tài sản chung và tài sản riêng vào từng mục đích, giảm nguy cơ xảy ra sự tan vỡ trong hôn nhân.
2. Ưu điểm và nhược điểm của việc thỏa thuận tài sản trước khi cưới
2.1. Ưu điểm
– Tài sản chung sau khi đăng ký kết hôn, tài sản riêng có trước thời kỳ hôn nhân sẽ được phân chia rõ ràng, cụ thể.
– Vì có sự rạch ròi về tài sản vợ, chồng nên trong quá trình chung sống với nhau sẽ hạn chế mâu thuẫn khi quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản chung, tài sản riêng vợ, chồng. Đồng thời, vợ, chồng cũng tự do, chủ động trong việc sử dụng tài sản của mình.
– Khi ly hôn, nguyên tắc nêu tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình là ưu tiên giải quyết tài sản chung vợ, chồng theo thỏa thuận của các bên. Do đó, khi đã có thỏa thuận tài sản trước khi cưới sẽ tránh mất thời gian cũng như tranh chấp khi phân chia tài sản vợ, chồng khi ly hôn.
2.2. Nhược điểm
– Nếu văn bản này vi phạm một số điều kiện nêu tại Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình thì có thể bị tuyên vô hiệu như vi phạm điều kiện về hình thức (lập bằng văn bản, có thể công chứng, chứng thực), nội dung vi phạm pháp luật hoặc ảnh hưởng quyền và lợi ích của các thành viên khác…
– Việc thỏa thuận tài sản vợ, chồng trước khi cưới có thể làm ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, vợ, chồng hoặc quan hệ với các thành viên khác trong gia đình…
Như vậy, văn bản thỏa thuận tài sản trước khi cưới có những ưu điểm và mặt hạn chế riêng. Mỗi cặp, vợ chồng nên dựa vào tình huống thực tế của bản thân để lựa chọn có lập văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng hay không.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc