Các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Luật Hùng Phúc 69 lượt xem Thuế

Các khoản chi phí được trừ và không được trừ là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay. Các khoản chi phí này bao gồm những khoản nào? Cùng Luật Hùng Phúc tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

thue thu nhap doanh nghiep

1. Các khoản chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Căn cứ khoản 1 Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 sửa đổi bổ sung 2020 và Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, trừ các khoản chi không được trừ thì doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

– Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khoản chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

– Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợphòng chống Covid-19 cũng được trừ khi tính thuế TNDN trong kỳ tính thuế của năm 2022 nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 2 Nghị định 15/2022/NĐ-CP.

2. Các khoản chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN

Theo khoản 2, Điều 9 Luật Thuế TNDN 2008 sửa đổi bổ sung 2020, các khoản chi không được trừ khi tính thuế TNDN bao gồm:

– Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện được trừ theo quy định tại mục 1 nêu trên, trừ phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường.

– Khoản tiền phạt do vi phạm hành chính.

– Khoản chi được bù đắp bằng nguồn kinh phí khác.

– Phần chi phí quản lý kinh doanh do doanh nghiệp nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam vượt mức tính theo phương pháp phân bổ do pháp luật Việt Nam quy định.

– Phần chi vượt mức theo quy định của pháp luật về trích lập dự phòng.

– Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.

– Khoản trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định của pháp luật.

– Khoản trích trước vào chi phí không đúng quy định của pháp luật.

– Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; tiền lương, tiền công, các khoản hạch toán chi khác để chi trả cho người lao động nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

– Phần chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu.

– Phần thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ, thuế giá trị gia tăng nộp theo phương pháp khấu trừ, thuế thu nhập doanh nghiệp.

– Khoản tài trợ, trừ khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai, làm nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà cho các đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật, khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

– Phần trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện hoặc quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động vượt mức quy định theo quy định của pháp luật.

– Các khoản chi của hoạt động kinh doanh: ngân hàng, bảo hiểm, xổ số, chứng khoán và một số hoạt động kinh doanh đặc thù khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.