Cháy chung cư mini ở Thanh Xuân: Chủ chung cư có thể đối mặt với mức án nào?

Luật Hùng Phúc 81 lượt xem Bản tin Pháp luật, Tin tức

Chiều ngày 13/9, theo Công an Hà Nội, vụ cháy chung cư mini gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số người tử vong lên đến 56 người. Trong buổi tối cùng ngày, công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can liên quan và bắt tạm giam chủ chung cư. Chủ chung cư có thể phải đối mặt với mức án nào đang là vấn đề được nhiều người quan tâm, cùng Luật Hùng Phúc tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Pháp luật quy định về PCCC với chung cư mini như thế nào?

Vụ cháy chung cư mini ở Thanh xuân được coi là vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan chức năng sẽ điều tra để xác minh nguyên nhân vụ cháy, và làm rõ trách nhiệm của chủ nhà trong trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy nhằm xử lý đúng theo quy định.

Theo đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ các vấn đề sau:

  • Xác định nơi xảy ra vụ cháy là chung cư mini hay là phòng trọ?
  • Nếu là chung cư mini thì việc cấp phép, phê duyệt về phòng cháy chữa cháy đã được thực hiện ra sao?
  • Nếu là phòng trọ thì việc kinh doanh cho thuê nhà ở với số tầng, số phòng lớn về vấn đề thiết kế đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa?

Công tác đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy thực hiện như thế nào?

Căn cứ phụ lục IV và phụ lục V ban hành kèm Nghị định 136/2020/NĐ-CP có đề cập đến chung cư như sau:

– Nhà chung cư cao dưới 05 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao dưới 05 tầng và có tổng khối tích dưới 2.500 m3; nhà hỗn hợp cao dưới 05 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3 phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

– Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 07 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 07 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Như vậy, theo quy định này, chung cư mini dù cao trên 07 tầng hay dưới 05 tầng thì đều phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Đặc biệt, đối với chung cư mini từ cao 7 tầng trở lên, ngoài những yêu cầu về phòng cháy chữa cháy cho chung cư mini dưới 07 tầng ở trên thì với chung cư trên 07 tầng còn phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Những yêu cầu về phòng cháy chữa cháy ở trên phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện trước khi đưa vào hoạt động và được duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

(Căn cứ Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP)

Vụ cháy chung cư mini số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ
Vụ cháy chung cư mini số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ

2. Cháy chung cư mini, chủ chung cư có thể đối mặt với mức án nào?

Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy tòa nhà xảy ra vụ cháy không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy theo quy định và gây hậu quả nghiêm trọng, thì chủ nhà sẽ bị bị khởi tố về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy là đúng quy định.

Theo Điều 313 Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy:

“Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.

Như vậy, người vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự, án phạt cao nhất của tội danh này lên tới 12 năm tù nếu hậu quả làm chết 3 người trở lên hoặc thiệt hại tài sản có tổng giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn làm rõ nguyên nhân vụ cháy, các điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy để xác định trách nhiệm đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy thuộc về ai, nguyên nhân vụ cháy từ đâu để quy trách nhiệm của tổ chức cá nhân có liên quan trong việc đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.