Nhiều người thắc mắc, ở phiên tòa ly hôn, tòa sẽ hỏi những câu hỏi như thế nào? Cùng Luật Hùng Phúc tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Ai có quyền yêu cầu ly hôn
Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Cụ thể như sau:
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn;
- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ;
- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trong từng trường hợp khác nhau thì quyền yêu cầu giải quyết ly hôn cụ thể như sau:
- Trường hợp thuận tình ly hôn
Người có quyền yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là cả hai bên vợ chồng.
Trường hợp này, cả hai bên vợ chồng đã thống nhất được về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân, về quyền nuôi con và chia tài sản khi ly hôn thì có quyền yêu cầu tòa án công nhận thuận tình ly hôn.
- Trường hợp đơn phương ly hôn
Không giống ly hôn thuận tình là có được sự đồng thuận của cả hai bên, ly hôn đơn phương là việc một trong hai bên yêu cầu ly hôn.
Theo Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, đối tượng được yêu cầu ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu của một bên) là:
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn;
- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Căn cứ vào quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn trong trường hợp có căn cứ về việc cuộc hôn nhân của hai vợ chồng lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được do:
- Một trong hai người có hành vi bạo lực gia đình;
- Vợ hoặc chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng (yêu thương, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, sống chung với nhau trừ trường hợp có thỏa thuận khác)…
Lưu ý: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Như vậy, có thể thấy, việc ly hôn đơn phương có thể do vợ hoặc chồng hoặc người thân thích khác (khi đáp ứng điều kiện luật quy định) yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Các câu hỏi Tòa thường hỏi khi ly hôn
Các câu hỏi liên quan đến tình cảm
- Hai vợ, chồng tự nguyện hay bị ép buộc kết hôn?
- Hai vợ, chồng đã có thời gian tìm hiểu nhau trước kết hôn chưa?
- Về thông tin đăng ký kết hôn: Nơi đăng ký và thời điểm đăng ký kết hôn
- Hai vợ, chồng hiện tại đang chung sống hay đã ly thân? Cụ thể thời gian chung sống/ly thân?
- Hãy bày tỏ tình cảm, thái độ thật lòng đối với đối phương hiện tại?
- Về mâu thuẫn dẫn đến ly hôn: Nguyên nhân, thời gian, mức độ trầm trọng,…
- Hai vợ, chồng đã cân nhắc kỹ trước khi yêu cầu ly hôn chưa?
- Hai vợ, chồng đã lường trước tương lai, vấn đề nảy sinh sau ly hôn chưa? (Vấn đề con cái, bản thân, tài sản,…)
- Ý kiến của người liên quan về việc Vợ, chồng ly hôn?
- Hai vợ, chồng có cần thêm thời gian suy nghĩ lại vấn đề ly hôn không?
- Thỏa thuận giải quyết ly hôn của hai bên Vợ, chồng là gì? Về tài sản, con cái.
Các câu hỏi về tài sản
Sau khi xác định được tình cảm, thái độ hai bên đối với yêu cầu ly hôn, Tòa án sẽ tiếp tục đưa ra những câu hỏi để xác định tài sản cần xử lý khi ly hôn bởi vấn đề phân chia tài sản là một trong những vấn đề phức tạp và khi ly hôn. Thẩm phán sẽ dựa vào những câu hỏi dưới đây để đưa ra quyết định về tài sản sau ly hôn:
- Hai vợ, chồng có xác lập thỏa thuận tài sản trước khi kết hôn không?
- Hai vợ, chồng đã thỏa thuận và đạt được thống nhất về việc phân chia tài sản chưa? Có yêu cầu Tòa công nhận về thỏa thuận phân chia tài sản không?
- Hai vợ, chồng có tài sản chung không? (Gồm những gì, hiện kim hay hiện vật,…)
- Vợ, chồng có nợ chung không? (Có đang vay, mượn, cầm cố, thế chấp,… đang trong nghĩa vụ tài sản với ai không? Nếu có thì chủ nợ là ai? Giá trị bao nhiêu?…)
- Vợ, chồng có đang cho ai vay, mượn, cầm cố, thế chấp tài sản gì không? Nếu có thì cụ thể người vay và tài sản là gì?
Các câu hỏi liên quan đến con chung
Các nghĩa vụ về con chung, phân chia người trực tiếp nuôi con, nội dung cấp dưỡng sẽ được làm rõ qua các câu hỏi:
- Vợ chồng có mấy con chung, con riêng?
- Các con sinh năm bao nhiêu?
- Con chung đang ở với ai?
- Vợ chồng có thỏa thuận được về việc nuôi con không?
- Cụ thể ai nuôi con thế nào?
- Có Thỏa thuận hay yêu cầu cấp dưỡng nuôi con không?
- Mức cấp dưỡng yêu cầu/thỏa thuận là bao nhiêu?
- Trường hợp con trên 7 tuổi thì Tòa án sẽ yêu cầu vợ chồng đưa con lên để Tòa án trực tiếp hỏi về nguyện vọng của con mong muốn ở với ai khi vợ chồng ly hôn?
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc