Để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) bằng biện pháp dân sự, một trong những biện pháp mà Tòa án áp dụng là buộc bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu quyền của đối tượng SHTT. Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được coi là một dạng của thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Bộ luật dân sự.
Sau khi nhãn hiệu đăng ký và được bảo hộ, chủ sở hữu thực hiện nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu của mình, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ sở hữu sẽ không tránh khỏi bị vi phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu từ các bên thứ ba.
1. Hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu:
Tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
– Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;
– Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
2. Các thiệt hại do hành vi xâm phạm nhãn hiệu bao gồm:
- Thiệt hại về vật chất: Thiệt hại về vật chất do hành vi xâm phạm nhãn hiệu gây ra được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 204 Luật sở hữu trí tuệ, theo đó những thiệt hại này bao gồm: các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại
- Thiệt hại và tinh thần: Điểm b khoản 1 Điều 204 Luật sở hữu trí tuệ cũng quy định các thiệt hại về tinh thần. Theo đó, thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng.
3. Căn cứ xác định các thiệt hại về vật chất và tinh thần:
Hiện nay, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được ghi nhận trong Luật SHTT năm 2005 từ Điều 202 đến Điều 205.
Đối với thiệt hại về vật chất, nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây ra thiệt hại về vật chất cho mình và nếu nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyên sở hữu trí tuệ đã gây ra thiệt hại về vật chất cho mình thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường theo một trong các căn cứ:
- Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất;
- Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng SHTT với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng SHTT trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện;
- Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo một trong hai căn cứ trên thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Tòa án ấn định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng.
Đối với thiệt hại về tinh thần, trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ năm triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng tùy thuộc vào mức độ thiệt hại.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc