Miễn trách nhiệm là việc không buộc bên có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm mà đáng lẽ họ phải gánh chịu do hành vi vi phạm hợp đồng của mình.
Bên vi phạm được miễn trách nhiệm nếu chứng minh được là mình không có lỗi, bằng cách chỉ ra những hoàn cảnh khách quan khiến cho mình không thể thực hiện hợp đồng hoặc không thể thực hiện đúng hợp đồng. Những hoàn cảnh như vậy được pháp luật quy định, hoặc do các bên đã thỏa thuận trước với nhau hoặc việc vi phạm hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm.
Điều 294 Luật Thương mại 2005 quy định bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau:
“a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”.
1. Miễn trách nhiệm theo thỏa thuận
Khi giao kết Hợp đồng thương mại các bên được quyền tự thỏa thuận các trường hợp miễn trách nhiệm khi giao kết hợp đồng. Thỏa thuận giữa các bên về trường hợp miễn trách nhiệm phải tồn tại trước khi hành vi vi phạm xảy ra và có hiệu lực đến thời điểm bên bị vi phạm áp dụng chế tài.
2. Miễn trách nhiệm khi các bên không có thỏa thuận
2.1. Miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Sự kiện bất khả kháng thường được hiểu là những hiện tượng do thiên nhiên gây ra (thiên tai) như lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần… hoặc các hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của Chính phủ.
Sự kiện để được xem là bất khả kháng thì một sự kiện cần thỏa mãn 3 nội dung sau:
– Xảy ra sau khi ký hợp đồng;
– Sự kiện xảy ra không thể dự đoán trước;
– Sự kiện xảy ra mà hậu quả để lại không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, các bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả theo quy định tại điều 296 Luật thương mại năm 2005.
2.2. Miễn trách nhiệm khi hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia
Lỗi được coi là một trong những yếu tố để xác định trách nhiệm dân sự. Lỗi này có thể là hành động hoặc không hành động của bên bị vi phạm. Về bản chất, thì các bên đều có hành vi vi phạm, tuy nhiên, sự vi phạm của một bên có nguyên nhân chủ yếu từ lỗi của bên bị vi phạm. Chẳng hạn, bên vi phạm đã làm theo một chỉ dẫn không rõ ràng của bên bị vi phạm dẫn đến thiệt hại. Trong trường hợp này, bên vi phạm đã được loại trừ lỗi cấu thành nên hành vi vi phạm, bên bị vi phạm sẽ chịu những rủi ro về thiệt hại này.
2.3. Miễn trách nhiệm khi hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước
Việc miễn trách nhiệm trong trường hợp này chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Quyết định của cơ quan nhà nước phải làm phát sinh nghĩa vụ của bên vi phạm, tức là phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định nào đó dẫn tới hành vi vi phạm hợp đồng. rõ ràng, các bên cũng không lường trước được những vi phạm và thiệt hại khi có một quyết định của nhà nước xen vào.
Đó có thể là quyết định hành chính (quyết định xử phạt vi phạm, quyết định trưng thu,…) hoặc quyết định của cơ quan tư pháp (bản án, quyết định). Miễn trách nhiệm chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc