Cách tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định mới nhất

Luật Hùng Phúc 82 lượt xem Bản tin Pháp luật, Thuế, Tin tức

Nhiều người cho rằng nhận mức lương từ trên 80 triệu đồng/tháng phải nộp 35% thuế thu nhập cá nhân. Thông tin này liệu có chính xác? Dưới đây là cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công theo quy định mới nhất.

Cach Tinh Thue Thu Nhap Ca Nhan Nguoi Lao Dong Can Phai Biet 42769

Thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công được chia thành 02 đối tượng khác nhau, gồm:

– Cá nhân cư trú.

– Cá nhân không cư trú.

Với mỗi đối tượng, mỗi trường hợp trên đều có cách tính thuế thu nhập khác nhân khác nhau và đặc biệt chỉ có cá nhân cư trú mới được tính giảm trừ gia cảnh.

1. Đối với cá nhân cư trú

1.1. Cá nhân cư trú là gì?

Căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi, hướng dẫn bởi Điều 2 Nghị định 65/2013/NĐ-CP cá nhân cư trú là cá nhân đáp ứng một trong các điều kiện sau:

  • Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
    • Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo quy định tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
  • Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:
    • Có nơi ở đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú;
    • Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế.

Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại Điểm này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là đối tượng cư trú của nước nào thì cá nhân đó là đối tượng cư trú tại Việt Nam.

1.2. Tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền công, tiền lương đối với cá nhân cư trú

* Ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên

** Công thức tính thuế TNCN

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Để tính được số thuế phải nộp cần phải tính được thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể:

(1) Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ [1]

Trong đó,

Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản được miễn [2]

Căn cứ vào công thức tính thuế trên, để tính được thu nhập tính thuế cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Tính tổng thu nhập

Bước 2: Tính các khoản thu nhập được miễn thuế (nếu có)

Các khoản thu nhập miễn thuế từ tiền lương, tiền công gồm:

– Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định pháp luật.

– Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho hãng tàu nước ngoài hoặc hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế.

Bước 3: Tính thu nhập chịu thuế theo công thức [2]

Bước 4: Tính các khoản giảm trừ

– Giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm).

– Giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, người nộp thuế còn được tính giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo.

Bước 5: Tính thu nhập tính thuế theo công thức [1]

Sau khi tính được thu nhập tính thuế, để xác định được số thuế phải nộp thì người nộp thuế áp dụng phương pháp lũy tiến từng phần hoặc phương pháp tính thuế rút gọn (trình bày ở phần sau).

(2) Thuế suất

Căn cứ Điều 22 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi, hướng dẫn bởi Điều 14 Nghị định 65/2013/NĐ-CP thuế suất từ tiền lương, tiền công đối với cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên được áp dụng theo lũy tiến từng phần, cụ thể:

Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/năm

(Triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế trên tháng (Triệu đồng) Thuế suất (%)
1 Đến 60 Đến 5  5
2 Trên 60 đến 120 Trên 5 đến 10 10
3 Trên 120 đến 216 Trên 10 đến 18 15
4 Trên 216 đến 384 Trên 18 đến 32 20
5 Trên 384 đến 624 Trên 32 đến 52 25
6 Trên 624 đến 960 Trên 52 đến 80 30
7 Trên 960 Trên 80 35

Thu nhập trên đây là thu nhập từ tiền lương, tiền công đã trừ các khoản sau:

– Các đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo.

– Thu nhập được miễn thuế thu nhập.

– Các khoản không tính thuế thu nhập như một số khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền ăn trưa,…

2. Cá nhân không cư trú

2.1. Cá nhân không cư trú là gì?

Người nước ngoài không đáp ứng đủ điều kiện của cá nhân cư trú thì được xác định là cá nhân không cư trú.

2.2. Mức lương bao nhiêu phải nộp thuế?

Cá nhân không cư trú thì không được tính giảm trừ gia cảnh nên chỉ cần có thu nhập chịu thuế sẽ phải nộp thuế thu nhập (thu nhập chịu thuế > 0 mới phải nộp thuế).

Nói cách khác, chỉ cần có thu nhập từ tiền lương, tiền công sẽ phải nộp thuế với mức thuế suất 20%/thu nhập chịu thuế; trường hợp có đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo, khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo quy định thì được trừ khoản này.

2.3. Cách tính thuế thu nhập đối với cá nhân không cư trú

Khoản 1 Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định số thuế thu nhập đối với cá nhân không cư trú được tính theo công thức sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 20% x Thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế trong trường hợp này được xác định bằng tổng tiền lương, tiền thù lao, tiền công, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền công, tiền lương mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.

Trong đó, thu nhập chịu thuế của cá nhân không cư trú được xác định như quy định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú theo khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cụ thể:

  • Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này.
  • Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế.
  • Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.
  • Riêng thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy theo hướng dẫn tại điểm 2, khoản 2, Điều 2 Thông tư này là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm.

Như vậy, thông tin người lao động nhận mức lương 80 triệu đồng/tháng phải nộp 35% thuế thu nhập cá nhân là không đúng. Người lao động chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân 35% trong trường hợp thu nhập chịu thuế là từ trên 80 triệu đồng/tháng.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.