Điều kiện nhà xây không phép được “nộp tiền” để không bị phá dỡ

Luật Hùng Phúc 66 lượt xem Đất đai

Theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP mới được ban hành, công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ xây dựng không phép, trái phép, sai thiết kế về nguyên tắc sẽ được phép tồn tại nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Điều kiện nhà xây không phép được “nộp tiền” để không bị phá dỡ

Khoản 1 Điều 84 Nghị định 16/2022/NĐ-CP nêu rõ, từ 28/01/2022, các quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 Điều 79 Nghị định 139/2017/NĐ-CP được tiếp tục thực hiện như sau:

Hành vi xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép; xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng đã cấp; xây dựng sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng được phê duyệt hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn bị áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp theo quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP nếu đáp ứng đủ các điều kiện:

  • Hành vi vi phạm xảy ra từ 4/1/2008 và đã kết thúc trước 15/1/2018, nhưng sau 15/1/2018 mới được người có thẩm quyền phát hiện hoặc đã được phát hiện trước ngày 15/01/2018 và đã có một trong các văn bản: Biên bản vi phạm hành chính; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
  • Công trình không vi phạm chỉ giới xây dựng;
  • Không ảnh hưởng các công trình lân cận;
  • Không có tranh chấp;
  • Xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp;
  • Phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Về các bước để nhà, công trình xây dựng không phép được tồn tại, theo khoản 5 Điều 84 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân vi phạm hoàn thành việc nộp phạt vi phạm hành chính và số lợi bất hợp pháp. Tiếp theo đó phải kiểm định chất lượng công trình, cơ quan Nhà nước có ý kiến xác nhận.

Sau đó, chủ công trình phải xin cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép hoặc điều chỉnh thiết kế tùy từng lỗi vi phạm. Cơ quan chức năng sẽ xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng theo quy định.

Về cách tính số lợi bất hợp pháp phải nộp, với công trình xây dựng nhằm mục đích kinh doanh, số lợi bất hợp pháp là tổng số m2 sàn xây dựng vi phạm nhân với đơn giá 1m2 theo hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đã ký nhưng không được thấp hơn suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%.

Trường hợp xây dựng công trình không nhằm mục đích kinh doanh, số lợi bất hợp pháp là tổng số m2 sàn xây dựng vi phạm nhân với chi phí 1m2 sàn xây dựng theo dự toán được duyệt nhưng không được thấp hơn suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%.

Với trường hợp không có hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đã ký hoặc dự toán được duyệt, số lợi bất hợp pháp được xác định là tổng m2 sàn xây dựng vi phạm nhân với suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%.

Quy định được phép tồn tại chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm xảy ra từ 4/1/2008 và đã kết thúc trước 15/1/2018. Vi phạm sau 15/1/2018 thì phải hợp thức hóa ngay (từ sau 28/1/2022 chủ công trình chỉ có 30 ngày để hợp thức hóa).

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.