Điều kiện và thủ tục xác lập quyền về lối đi qua

Luật Hùng Phúc 78 lượt xem Đất đai

Lối đi qua là quyền của người sử dụng đất ở vị trí không có lối ra. Trường hợp này thường xuyên xảy ra ở các khu vực đô thị đông dân cư. Vậy điều kiện và thủ tục xác lập quyền về lối đi qua được pháp luật quy định như thế nào? Luật Hùng Phúc xin được giải đáp cho quý độc giả qua bài viết dưới đây.

1. Điều kiện hưởng quyền về lối đi qua

Lối đi qua được ghi nhận cụ thể tại khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.”

Căn cứ quy định trên, lối đi qua được hiểu là lối đi trên bất động sản của người khác do chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc và chủ sở hữu bất động sản vay bọc thỏa thuận. Hoặc, lối đi qua được xác định theo bản án của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền.

Cũng theo khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc có quyền yêu cầu mở lối đi qua.

Trong đó, việc mở lối đi qua phải đảm bảo nguyên tắc:

– Lối đi qua được mở phải đảm bảo sự thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc;

– Thiệt hại gây ra do mở lối đi qua là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

– Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Bên cạnh đó, quyền về lối đi qua được xác định là quyền sử dụng hạn chế trên đất của người khác, điều này được ghi nhận tại khoản 1 Điều 171 Luật Đất đai 2013 như sau:

“1. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề.

2. Việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 95 của Luật này.”

Điều kiện và thủ tục xác lập quyền về lối đi qua
Điều kiện và thủ tục xác lập quyền về lối đi qua

2. Thủ tục xác lập quyền về lối đi qua

Quyền về lối đi qua còn được hiểu là quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề. Theo khoản 8 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT quy định hồ sơ xác lập quyền trong trường hợp này gồm:

– Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;

– Giấy chứng nhận đã cấp của một bên hoặc các bên liên quan (Bản gốc);

– Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;

– Sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.

Theo đó, hồ sơ được nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nếu có nhu cầu (Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận thành phần hồ sơ được công bố tại Bộ thủ tục hành chính này).

Trường hợp người sử dụng đất lựa chọn nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì trong thời gian 01 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để giải quyết theo quy định.

3. Hướng dẫn giải quyết tranh chấp quyền về lối đi qua

Căn cứ khoản 2 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định. Theo đó, thủ tục khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về quyền lối đi qua như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Theo khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khởi kiện gồm:

– Đơn khởi kiện theo mẫu.

– Các giấy tờ: Chứng minh thư nhân dân/Thẻ căn cước công dân/hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

– Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện (sơ đồ, bản trích đo địa chính, bản chụp thể hiện bất động sản bị vây bọc và không có lối đi qua).

Bước 2: Nộp đơn khởi kiện

Hồ sơ khởi kiện được nộp đơn tại Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi có bất động sản theo một trong các hình thức:

– Nộp trực tiếp tại Tòa án;

– Theo đường dịch vụ bưu chính;

– Qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Bước 3: Nhận, xử lý đơn khởi kiện, thụ lý đơn

Căn cứ Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định sau:

+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện.

+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn.

+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác.

+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

– Thụ lý đơn khởi kiện

Bước 4: Chuẩn bị xét xử và xét xử

– Thời hạn chuẩn bị xét xử: Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp về lối đi qua là 04 tháng, vụ việc phức tạp được gia hạn không quá 02 tháng. Nếu không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án thì Tòa án sẽ quyết định đưa vụ án ra xét xử.

– Tòa án phải mở phiên tòa trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

– Sau khi có bản án sơ thẩm các bên tranh chấp có quyền kháng cáo nếu có căn cứ theo quy định.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.