Trong trường hợp bị chậm cấp, từ chối cấp sổ đỏ mà có căn cứ cho rằng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm sai, người dân có thể thực hiện khiếu nại. Dưới đây là một số nội dung cơ bản về thủ tục khiếu nại mà người dân cần nắm.
1. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Căn cứ Điều 17, Điều 18 và Điều 19 Luật Khiếu nại 2011, thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi chậm hoặc từ chối cấp Sổ đỏ (nói cách khác là quyết định hành chính, hành vi hành chính) được quy định như sau:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn), Trưởng phòng và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
– Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:
+ Có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.
+ Có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng phòng và tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
2. Hình thức khiếu nại
Căn cứ Điều 8 Luật Khiếu nại 2011, việc khiếu nại quyết định, hành vi chậm cấp, từ chối cấp Sổ đỏ được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp, cụ thể:
(1) Khiếu nại được thực hiện bằng đơn
Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ nội dung sau:
– Ngày, tháng, năm khiếu nại;
– Tên, địa chỉ của người khiếu nại;
– Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
– Nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.
Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
(2) Khiếu nại trực tiếp
Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung như trường hợp (1).
3. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại
* Trình tự giải quyết khiếu nại lần đầu
Bước 1: Gửi và tiếp nhận đơn
– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
– Đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
– Hồ sơ khiếu nại lần hai gồm có:
+ Đơn khiếu nại;
+ Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;
+ Các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
– Nơi nộp: Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai (xem chi tiết tại mục thẩm quyền ở trên).
Bước 2: Thụ lý đơn
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết mà việc khiếu nại lần hai có đủ điều kiện thì phải thụ lý giải quyết.
– Trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do trong văn bản thông báo cho người khiếu nại.
Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại.
Bước 4: Tổ chức đối thoại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại.
Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại
– Người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
– Gửi, công bố quyết định giải quyết khiếu nại.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho:
+ Người khiếu nại;
+ Người bị khiếu nại;
+ Người giải quyết khiếu nại lần đầu;
+ Người có quyền, nghĩa vụ liên quan;
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai:
Điều 37 Luật Khiếu nại 2011 thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai như sau:
– Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
– Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Trên đây là một số nội dung cơ bản khi thực hiện thủ tục khiếu nại. Liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được hỗ trợ thực hiện thủ tục khiếu nại, khởi kiện.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc