Tăng ca hay còn gọi là làm thêm giờ là giải pháp được người sử dụng lao động áp dụng khi doanh nghiệp không đáp ứng đủ số lượng sản phẩm cần sản xuất ra hoặc muốn gia tăng hiệu suất công việc. Khi sử dụng người lao động làm thêm giờ, người sử dụng lao động cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, số giờ tăng ca của người lao động:
– Số giờ tăng ca tính theo ngày: số giờ mà NLĐ tăng ca không được vượt quá 50% số giờ làm việc bình thường trong ngày.
– Số giờ tăng ca tính theo tuần: tổng số giờ mà NLĐ làm việc cả bình thường và tăng ca không được quá 12 giờ trong 01 ngày.
– Không quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
– Số giờ tăng ca tính theo tháng, năm: Tổng thời gian tăng ca làm việc trung bình của một NLĐ không được vượt quá 30 giờ trên 01 tháng và 200 giờ trong 01 năm.
– Đối với trường hợp mà NLĐ làm việc ở các lĩnh vực sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn thì tổng thời gian tăng ca làm việc trung bình của một NLĐ không được quá 300 giờ trong 01 năm.
Lưu ý:
– Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 07 ngày liên tục trong tháng, doanh nghiệp phải bố trí để NLĐ nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ. Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 Bộ luật lao động 2012.
– Khi tổ chức làm thêm giờ, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Thứ hai, có được sử dụng phụ nữ mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi để tăng ca?
Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ tăng ca trong các trường hợp sau đây:
– Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
– Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Thứ ba, sử dụng NLĐ chưa thành niên để tăng ca:
– Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ được làm việc vào ban đêm và tăng ca trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể các ngành, nghề mà NLĐ từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được tăng ca mà chỉ có danh mục công việc và nợi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên được ban hành kèm theo Thông tư 10/2013/TT-BLĐTBXH. Do đó, doanh nghiệp cần căn cứ theo danh mục này để rà soát và bố trí NLĐ làm việc phù hợp với độ tuổi.
– Người dưới 15 tuổi không được tăng ca và làm việc vào ban đêm.
Thứ tư, cần phải có sự đồng ý của NLĐ về việc tổ chức tăng ca
Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, NLĐ phải tuân thủ theo sự quản lý, sắp xếp của doanh nghiệp về công việc, thời gian làm việc. Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào, NLĐ cũng phải tuân thủ theo sự sắp xếp này, đặc biệt là khi làm thêm giờ, tăng ca với những công việc nguy hiểm và gây độc hại đến sức khỏe. Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động 2012, doanh nghiệp chỉ có thể sử dụng lao động làm việc thêm giờ, tăng ca khi đã nhận được sự đồng ý của NLĐ.
Trên đây là một số lưu ý khi sử dụng lao động tăng ca, mọi thắc mắc chi tiết xin liên hệ hotline 0979.80.1111 hoặc email vplshungphuc@gmail.com để được tư vấn nhanh chóng, chính xác.
Fanpage: Văn phòng Luật sư Hùng Phúc
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc