Người dân nên làm gì khi bị chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng

Luật Hùng Phúc 74 lượt xem Các thủ tục hành chính về đất đai, Đất đai

Thực tế, vì một số lý do khách quan lẫn chủ quan mà các thủ tục hành chính đất đai nói chung và thủ tục cấp sổ đỏ, sổ hồng nói riêng thường diễn ra lâu hơn so với luật định. Đối với trường hợp bị chậm cấp quá lâu, người dân cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Người dân nên làm gì khi bị chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng
Người dân nên làm gì khi bị chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng

1. Khi nào được coi là chậm cấp sổ đỏ

Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) là không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Thời gian thực hiện thủ tục trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định (*).

Bên cạnh đó, khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Sổ đỏ thì người tiếp nhận phải gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ, trong đó ghi ngày trả kết quả thủ tục hành chính (giấy hẹn trả kết quả).

2. Người dân cần làm gì khi bị chậm cấp sổ đỏ

2.1. Hỏi, kiến nghị về việc chậm cấp sổ đỏ

Trong trường hợp bị chậm cấp, sang tên sổ đỏ, người dân trước hết nên hỏi trực tiếp bộ phận tiếp nhận, giải quyết hồ sơ để biết lý do chậm thực hiện thủ tục hành chính và xem lý do đó có hợp pháp không.

Để thực hiện đúng quy định của pháp luật khi hỏi, kiến nghị về việc chậm cấp cần yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trả lời rõ bằng văn bản thay vì chỉ trả lời bằng lời nói, vì lý do sau:

  • Trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời vô hình chung tạo nên sự ràng buộc, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan đó.
  • Văn bản trả lời là một trong những tài liệu, nguồn chứng cứ nếu muốn khiếu nại, khởi kiện.
  • Cũng cần lưu ý rằng nếu cơ quan có thẩm quyền hoặc cá nhân trong cơ quan đó không trả lời bằng văn bản thì hành vi “không thực hiện” đó cũng chính là một trong những đối tượng bị khiếu nại, khởi kiện hành chính.

2.2. Khiếu nại về việc chậm cấp sổ đỏ

Thủ tục cấp, sang tên Giấy chứng nhận là thủ tục hành chính về đất đai, nên khi quá thời hạn nêu trên thì người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai đề nghị cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan đó xem xét lại quyết định, hành vi chậm cấp sổ theo quy định tại Điều 204 Luật Đất đai 2013.

– Người có quyền khiếu nại là người có quyền, lợi ích bị quyết định, hành vi chậm cấp, sang tên Giấy chứng nhận xâm phạm. Khi khiếu nại, người khiếu nại có thể tự mình thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện thay.

– Đối tượng bị khiếu nại là quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai (hành vi chậm thực hiện thủ tục).

– Hình thức khiếu nại

+ Khiếu nại bằng đơn: Theo Điều 8 Luật Khiếu nại 2011, đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.

Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

+ Khiếu nại trực tiếp: Người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung như khiếu nại bằng đơn.

  • Trình tự thực hiện thủ tục khiếu nại:

Bước 1: Gửi đơn và tiếp nhận đơn khiếu nại

Người khiếu nại nộp trực tiếp cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo quy định.

Bước 2: Thụ lý đơn

– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết.

– Trường hợp không thụ lý để giải quyết thì nêu rõ lý do.

Bước 3: Xác minh nội dung khiếu nại

Bước 4: Tổ chức đối thoại

Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại

– Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.

– Gửi kết quả giải quyết khiếu nại:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho:

+ Người khiếu nại;

+ Thủ trưởng cấp trên trực tiếp hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến;

+ Cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu:

Điều 28 Luật Khiếu nại 2011 quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu như sau:

– Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

– Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

2.3. Khởi kiện hành chính khi bị chậm cấp, từ chối cấp

Khởi kiện khi bị chậm, từ chối cấp Sổ đỏ là khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính nên thực hiện theo trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án hành chính.

– Thời hiệu khởi kiện: 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được hành vi, quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (điểm a khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015).

– Hồ sơ khởi kiện:

  • Đơn khởi kiện theo mẫu.
  • Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.
  • Giấy tờ tùy thân: Chứng minh thư nhân nhân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn.

– Trình tự thủ tục thực hiện:

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện (hồ sơ khởi kiện)

Bước 2: Nhận và xem xét đơn khởi kiện

Bước 3: Thụ lý vụ án

Bước 4: Chuẩn bị xét xử

Thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án; đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần, nhưng không quá 02 tháng (Khoản 1 Điều 130 Luật Tố tụng hành chính 2015).

Bước 5: Xét xử.

Trên đây là ba cách xử lý người dân nên biết khi bị chậm cấp sổ đỏ, sổ hồng. Mọi thắc mắc về thủ tục hành chính đất đai, tranh chấp đất đai vui lòng liên hệ Hotline: 0931 70 4444 để được tư vấn trực tiếp và chuyên sâu.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.