Người lao động có bắt buộc phải tham gia công đoàn không?

Luật Hùng Phúc 67 lượt xem Lao động

Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội đại diện cho người lao động, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động tại cơ sở lao động. Vậy người lao động có bắt buộc phải tham gia công đoàn không?

1. Công đoàn là gì?

Theo Điều 1 Luật Công đoàn 2012 , tổ chức công đoàn được quy định như sau:

– Là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam;

– Đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (gọi chung là người lao động);

– Cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;

– Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp;

– Tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp,

– Chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo quy định nêu trên, công đoàn là tổ chức hình thành dựa trên cơ sở tự nguyện và đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động tại cơ sở lao động.

người lao động có bắt buộc phải tham gia công đoàn không?

2. Người lao động có bắt buộc tham gia công đoàn không?

– Khoản 1 Điều 170 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn .

– Theo khoản 1 Điều 4 Luật Công đoàn 2012 , quyền công đoàn là quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động, đoàn viên công đoàn và quyền của tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Căn cứ 02 quy định nêu trên, có thể thấy việc thành lập, gia nhập công đoàn được xác định là một quyền của người lao động. Người lao động có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền của mình mà không vi phạm pháp luật.

– Đồng thời, điểm b khoản 1 Điều 45 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng quy định người lao động được quyết định những nội dung sau:

+ Giao kết, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật;

+ Gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

+ Tham gia hoặc không tham gia đình công theo quy định của pháp luật;

+ Biểu quyết nội dung thương lượng tập thể đã đạt được để ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật;

+ Nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của các bên.

Hình thức quyết định của người lao động thực hiện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, người lao động không bắt buộc phải tham gia công đoàn tại cơ sở lao động. Việc tham gia công đoàn tùy thuộc vào nhu cầu, mong muốn của người lao động và thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

3. Buộc người lao động tham gia công đoàn bị xử lý thế nào?

Theo điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật Lao động 2019 , nghiêm cấm người sử dụng lao động có hành vi yêu cầu người lao động tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (tại đây là công đoàn) thì mới được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động với người lao động.

Trong trường hợp người sử dụng lao động có hành vi yêu cầu người lao động tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (theo điểm b khoản 1 Điều 36 Nghị định 12/2022/NĐ-CP .

Lưu ý: Mức xử phạt vi phạm hành chính nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt với tổ chức gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.