Những mặt hàng nào cần phải chịu thuế bảo vệ môi trường?

Luật Hùng Phúc 45 lượt xem Môi trường

Đối với các sản phẩm, mặt hàng có nguy cơ gây hại, ảnh hưởng xấu cho môi trường thì phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Vậy thuế bảo vệ môi trường là gì và mặt hàng nào phải chịu thuế? Cùng Phapluatdoanhnghiep.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Thuế bảo vệ môi trường là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi chung là hàng hóa) khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Theo đó, người nộp thuế và người chịu thuế không phải là một. Nói cách khác, người nộp thuế là người sản xuất, kinh doanh nhưng người thực tế chịu thuế là người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

2. Các mặt hàng là đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.

Theo Điều 3 Luật thuế Bảo vệ môi trường 2010, Điều 2 Nghị định 67/2011/NĐ-CP và Điều 1 Thông tư 152/2011/TT-BTC, đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường gồm 08 nhóm hàng hóa sau:

(1) Xăng, dầu, mỡ nhờn, bao gồm:

– Xăng, trừ etanol;

– Nhiên liệu bay;

– Dầu diezel;

– Dầu hỏa;

– Dầu mazut;

– Dầu nhờn;

– Mỡ nhờn.

Xăng, dầu, mỡ nhờn quy định tại khoản này là các loại xăng, dầu, mỡ nhờn (sau đây gọi chung là xăng dầu) gốc hoá thạch xuất bán tại Việt Nam, không bao gồm chế phẩm sinh học (như etanol, dầu thực phẩm, mỡ động vật…).

Đối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng dầu gốc hoá thạch thì chỉ tính thu thuế bảo vệ môi trường đối với phần xăng dầu gốc hoá thạch.

+ Các doanh nghiệp nhập khẩu vật tư, phụ tùng cho máy bay hoặc trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị mà có cung cấp dầu nhờn, mỡ nhờn đi kèm (được đóng riêng) thì phải kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật (theo Công văn 1199/BTC-TCT ngày 30/01/2012).

Đối với các trường hợp xăng, dầu, mỡ nhờn nhập khẩu về sử dụng cho mục đích khác không phải để bán thì cơ quan Hải quan căn cứ hồ sơ khai thuế của người nộp thuế để thực hiện việc thu thuế bảo vệ môi trường cùng với thuế nhập khẩu như các loại hàng hóa nhập khẩu chịu thuế bảo vệ môi trường khác.

Riêng đối với xăng, dầu của các Công ty xăng, dầu đầu mối nhập khẩu để bán không thực hiện việc kê khai thuế bảo vệ môi trường cùng với thời điểm kê khai và nộp thuế nhập khẩu mà kê khai và nộp thuế tại thời điểm xuất bán hoặc xuất tiêu dùng.

(2) Than đá bao gồm:

– Than nâu;

– Than an-tra-xít (antraxit);

– Than mỡ;

– Than đá khác.

(3) Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC) là nhóm chất gây suy giảm tầng ô dôn dùng làm môi chất lạnh sử dụng trong thiết bị làm lạnh và trong công nghiệp bán dẫn, được sản xuất trong nước, nhập khẩu riêng hoặc chứa trong các thiết bị điện lạnh nhập khẩu.

(4) Túi ni lông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa)

Là loại túi, bao bì nhựa mỏng có hình dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó) được làm từ màng nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin), LDPE (Low density polyethylen) hoặc LLDPE (Linear low density polyethylen resin), trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên.

(5) Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng.

(6) Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.

(7) Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng.

(8) Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.

Cụ thể các loại thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng được xác định theo quy định tại Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14.

3. Đối tượng nộp thuế bảo vệ môi trường

Căn cứ Điều 5 Luật Thuế bảo vệ môi trường và Điều 3 Thông tư 152/2011/TT-BTC, người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.

Đối với một số trường hợp cụ thể, người nộp thuế bảo vệ môi trường được quy định như sau:

– Người nhận uỷ thác nhập khẩu hàng hoá là người nộp thuế bảo vệ môi trường, không phân biệt hình thức nhận uỷ thác nhập khẩu và xuất giao trả hàng cho người uỷ thác hay nhận uỷ thác nhập khẩu.

– Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sản xuất, nhận gia công đồng thời nhận uỷ thác bán hàng hoá vào thị trường Việt Nam là người nộp thuế bảo vệ môi trường. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận gia công nhưng không nhận uỷ thác bán hàng thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân giao gia công là người nộp thuế bảo vệ môi trường khi xuất, bán hàng hoá tại Việt Nam.

– Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ, lẻ mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp thuế bảo vệ môi trường thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết, mọi thắc mắc cần giải đáp liên quan đến pháp lý doanh nghiệp, thuế doanh nghiệp vui lòng liên hệ Hotline: 0982 466 166 để được tư vấn trực tiếp và chuyên sâu.

Theo: Phaluatdoanhnghiep.vn

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.