Phân chia di sản thừa kế khi có người thừa kế biệt tích

Luật Hùng Phúc 9 lượt xem Dân sự

Tranh chấp phân chia di sản thừa kế là loại án dân sự có tính chất phổ biến, phức tạp, kéo dài, xét xử nhiều lần ở nhiều cấp Tòa án. Nguyên nhân chính làm cho tranh chấp thừa kế phức tạp là do đây là tranh chấp của các thành viên có mối quan hệ huyết thống ruột thịt và tài sản tranh chấp thường là đất đai, nhà cửa có giá trị lớn, mang tính chất thiết yếu. Đặc biệt đối với các trường hợp phân chia di sản thừa kế khi có một hoặc nhiều người trong hàng thừa kế biệt tích thì việc giải quyết phân chia thừa kế sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian hơn. Trong phạm vi bài viết này, Luật sư xin đưa ra ý kiến tư vấn cụ thể về trường hợp phân chia di sản thừa kế khi có người thừa kế biệt tích.

1. Người thừa kế và người thừa kế theo pháp luật gồm những ai?

Theo quy định tại Diều 613 Bộ luật dân sự năm 2015 “người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Căn cứ Điều 651 Bộ Luật dân sự năm 2015, Người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Người thừa kế biệt tích được xác định như thế nào?

Đối với trường hợp một người thừa kế biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Trường hợp người thừa kế được xác định là đã chết khi:

  • Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
  • Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
  • Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
  • Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống.

Thời hạn nêu trên được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

Phân chia di sản thừa kế khi có người thừa kế biệt tích
Phân chia di sản thừa kế khi có người thừa kế biệt tích

3. Phân chia di sản thừa kế khi có người thừa kế mất tích:

Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu tuyên bố người thừa kế mất tích

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nộp hồ sơ yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền tuyên bố mất tích. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích. Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên. Hết thời hạn nêu trên nếu không có tin tức gì của người bị yêu cầu thì Tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố một người mất tích.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể là bố mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột hoặc những người khác có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến tài sản của người mất tích.

Bước 2: Khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế:

Sau khi có quyết định tuyên bố một người mất tích, một trong các hàng thừa kế có quyền khởi kiện tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền nhằm yêu cầu Tòa án tiến hành phân chia di sản thừa kế.

Khi xem xét phân chia, Tòa án sẽ cân nhắc chia cho người mất tích một suất thừa kế bằng hiện vật hoặc bằng tiền. Trường hợp người mất tích được chia bằng hiện vật thì Tòa án sẽ chỉ định người quản lý tài sản đó.

Người quản lý tài sản có trách nhiệm bảo quản, duy trì và sử dụng tài sản của người mất tích theo quy định của pháp luật, bao gồm cả việc thanh toán các chi phí liên quan đến quản lý tài sản.

Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó. Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển sao sau khi đã thanh toán các chi phí quản lý.

4. Phân chia di sản thừa kế khi có người thừa kế được xác định là đã chết:

Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người đã chết.

Tương tự với trường hợp tuyên bố mất tích, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nộp hồ sơ yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền tuyên bố một người đã chết. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Khi quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.

Bước 2: Phân chia di sản thừa kế

Trường hợp các hàng thừa kế không có tranh chấp thì lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế để định đoạt di sản thừa kế mà người đã chết để lại.

Trường hợp các hàng thừa kế có tranh chấp không thống nhất được với nhau về cách chia, phương thức chia di sản thì một trong những người thừa kế nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền tiến hành phân chia di sản thừa kế.

Quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết.

Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn. Trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.