Sẽ công khai danh sách công chức ‘ngâm’ hồ sơ thủ tục hành chính

Luật Hùng Phúc 80 lượt xem Bản tin Pháp luật, Tin tức

Sẽ công khai danh sách công chức “ngâm” hồ sơ thủ tục hành chính là nội dung tại Nghị quyết 85/NQ-CP ngày 09/7/2022 Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022.

Sẽ công khai danh sách công chức "ngâm" hồ sơ thủ tục hành chính

Theo đó, về cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chức năng:

– Hàng tháng, công khai danh sách cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức giải quyết chậm, muộn hồ sơ hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương;

Kịp thời xử lý các khó khăn, bất cập, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

– Thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ đối với các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết;

Số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận tại bộ phận một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 01/6/2022, tập trung thực hiện đối với 25 dịch vụ công thiết yếu từ ngày 01/7/2022 theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cán bộ, công chức “ngâm” hồ sơ thủ tục hành chính bị xử lý thế nào?

Việc xác định hình thức xử lý đối với cán bộ, công chức “ngâm” hồ sơ thủ tục hành chính phụ thuộc vào lý do, tính chất, mức độ của hành vi, cụ thể:

(1) “Ngâm” hồ sơ để vụ lợi

– Nếu hành vi “ngâm” hồ sơ để nhận tiền từ người dân thì xử lý như sau:

+ Trường hợp số tiền cán bộ, công chức nhận dưới 2 triệu đồng, chưa từng bị xử lý lý kỷ luật thì bị xử lý kỷ luật về hành vi “Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi” theo quy định tại Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

+ Trường hợp số tiền cán bộ, công chức nhận từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật mà vẫn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ tại Điều 354 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến tử hình.

– Nếu hành vi “ngâm” hồ sơ không nhằm để nhận tiền từ người dân nhưng lại gây thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại khác cho người dân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Điều 356 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

(2) “Ngâm” hồ sơ do không có năng lực giải quyết

– Khoản 3 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định:

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đối với cán bộ có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

– Khoản 12 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định:

– Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc đối với công chức có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;

– Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 03 năm có 02 năm không liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí việc làm đang đảm nhận thì bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn.

Như vậy, nếu cán bộ, công chức “ngâm” hồ sơ do không có năng lực giải quyết và được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ thì có thể bị:

– Miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đối với cán bộ;

– Cho thôi việc hoặc bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn đối với công chức.

Ngoài ra với các lý do khác mà chưa đến mức bị xử lý hình sự thì cán bộ, công chức sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.