Trong khi vận chuyển hàng hoá, thường xuyên xảy ra rủi ro đối với hàng hoá như mất mát, hư hỏng. Trong bài viết này, Luật sư sẽ chia sẻ đến quý bạn đọc những quy định của pháp luật để xác định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên khi xảy ra rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá.
1. Chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định:
Nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua uỷ quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hoá.
2. Chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định
Nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hoá và bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên.
3. Chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển
Nếu hàng hoá đang được người nhận hàng để giao nắm giữ mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hoá;
- Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hoá của bên mua.
4. Chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hoá đang trên đường vận chuyển
Nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.
5. Chuyển rủi ro trong các trường hợp khác
Trong các trường hợp khác, việc chuyển rủi ro được quy định như sau:
- Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng;
- Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá không được chuyển cho bên mua, nếu hàng hoá không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác.
Ngoài ra, quý bạn đọc có thể tham khảo bộ quy tắc thương mại quốc tế INCOTERM đã được công nhận và sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Một trong những bộ quy tắc phổ biến là Incoterm 2010, gồm có 11 điều, chia thành 4 nhóm E, F, C, D, chi tiết tên gọi như sau:
- Nhóm E – 1 điều khoản: ExW (ExWork): Giao hàng tại nơi sản xuất hàng hoá
- Nhóm F – 4 điều khoản: gồm FOB (Free On Board), FCA (Free Carrier), FAS (Free Alongside)
- Nhóm C – 3 điều khoản: gồm CRF (Cost and Freight), CIF (Cost Insurance and Freight), CPT (Carriage Paid To), CIP (Cost Insurance Paid to)
- Nhóm D – 3 điều khoản: DAT (Delivered at Terminal), DAP (Delivered at Place), DDP (Delivered Duty Paid)
Trong 11 điều kiện trên cần lưu ý có 4 điều kiện chỉ áp dụng cho vận tải biển và thủy nội địa (FAS, FOB, CFR, CIF). 7 điều kiện còn lại có thể áp dụng cho mọi phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc