Mỹ phẩm là một trong các mặt hàng kinh doanh phát triển khá mạnh mẽ hiện nay. Để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, hoạt động nhập khẩu mỹ phẩm của doanh nghiệp ngày càng phổ biến. Tuy nhiên doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy trình nhất định về nhập khẩu mỹ phẩm.
Để nhập khẩu và lưu hành mỹ phẩm hợp pháp ở Việt Nam, doanh nghiệp cần phải thực hiện theo quy trình sau:
1. Thủ tục công bố mỹ phẩm nhập khẩu đối với mỹ phẩm nằm trong danh mục bắt buộc phải công bố
Quý thành viên xem danh mục mỹ phẩm cần phải công bố lưu hành tại: Hiệp định về hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm.
Thành phần hồ sơ:
– Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm kèm theo dữ liệu công bố (theo mẫu Phụ lục 01 – MP ban hành kèm theo Thông tư 06/2011/TT-BYT).
Phiếu công bố phải được người đại diện theo pháp luật ký và đóng dấu giáp lai.
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có chữ ký và đóng dấu).
– Giấy ủy quyền của nhà sản xuất hoặc của chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường tại Việt Nam: Bản chính hoặc bản sao có chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự.
– Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đáp ứng các yêu cầu:
+ CFS do nước sở tại cấp: là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp lệ, còn hạn. Trường hợp CFS không nêu thời hạn thì phải là bản được cấp trong vòng 24 tháng kể từ ngày cấp.
+ CFS phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hoá lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Lệ phí công bố: 500 nghìn đồng.
Nơi nộp hồ sơ: Tổ chức nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Cục Quản lý dược – Bộ Y tế.
Thời hạn giải quyết: Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp lệ và lệ phí công bố, Cục Quản lý dược ban hành số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Trường hợp hồ sơ công bố chưa hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Quản lý thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Trên thực tế, thời gian giải quyết có thể kéo dài hơn (khoản 01 tháng) so với quy định của pháp luật vì tính chất cũng như số lượng công việc cần giải quyết.
– Số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có giá trị 05 năm kể từ ngày cấp.
Lưu ý: Cách lập Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm được quy định tại Điều 5 Thông tư 06/2011/TT-BYT.
Quý thành viên có thể tham khảo chi tiết tại công việc: Công bố sản phẩm mỹ phẩm trong Ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Một số trường hợp không bắt buộc phải thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm:
– Tổ chức nhập khẩu mỹ phẩm để nghiên cứu, kiểm nghiệm (Phụ lục số 14-MP ban hành kèm theo Thông tư 06/2011/TT-BYT). Số lượng tối đa cho mỗi sản phẩm là 10 mẫu. Các sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu để nghiên cứu, kiểm nghiệm phải được sử dụng đúng mục đích, không được phép đưa ra lưu thông trên thị trường.
– Tổ chức nhận mỹ phẩm là quà biếu, quà tặng làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan Hải quan theo quy định. Các mẫu mỹ phẩm nhập khẩu là quà biếu, quà tặng không được phép đưa ra lưu thông trên thị trường.
– Tổ chức nhập khẩu mỹ phẩm để trưng bày tại hội chợ, triển lãm và các trường hợp tạm nhập tái xuất khác.
Sau khi được Cục Quản lý dược cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, doanh nghiệp cần làm thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm tại cơ quan Hải quan. Tuy nhiên trước khi làm thủ tục nhập khẩu, mỹ phẩm nhập khẩu của doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về chất lượng, cụ thể như sau:
– Mỹ phẩm nhập khẩu phải được công bố tiêu chuẩn.
Quý thành viên tham khảo tại bài viết: Khái quát về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
– Mỹ phẩm nhập khẩu phải được công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật.
Quý thành viên có thể tham khảo chi tiết tại công việc: Công bố hợp quy trong Ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
– Mỹ phẩm nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu theo khoản 2 Điều 27 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007.
2. Làm thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm tại cơ quan Hải quan.
Thành phần hồ sơ:
– Tờ khai hải quan về hàng hóa nhập khẩu (theo mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 39/2018/TT-BTC) hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan.
– Chứng từ có liên quan (chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử), gồm có:
+ Hợp đồng mua bán hàng hóa hay hợp đồng ủy thác nhập khẩu hàng hóa đối với trường hợp nhập khẩu ủy thác: Bản chụp.
+ Hóa đơn thương mạị hoặc chứng từ có giá trị tương đương trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: Bản chụp.
+ Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức (trừ hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hoá mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa, hàng hóa nhập khẩu do người nhập cảnh mang theo đường hành lý): Bản chụp.
+ Phiếu công bố mỹ phẩm nhập khẩu còn hiệu lực.
+ Chứng từ chứng minh tổ chức đủ điều kiện nhập khẩu mỹ phẩm: Bản chụp.
+ Tờ khai trị giá (theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 39/2015/TT-BTC).
+ Chứng từ chứng nhận xuất xứ mỹ phẩm.
+ Văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành: Bản chính.
Nơi nộp hồ sơ: Chi cục Hải quan tiếp nhận kiểm tra.
Trường hợp thực hiện thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan được khai và gửi hồ sơ hải quan thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của Hải quan.
Sau khi khai và nộp tờ khai hải quan; nộp hoặc xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan. Tổ chức đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được Chi cục Hải quan quy định để kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.
Thời hạn giải quyết:
– Trong 02 giờ làm việc kể từ thời điểm tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan hải quan hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ.
– Trong 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa, cơ quan hải quan hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hóa.
Lưu ý: Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hóa theo quy định của pháp luật có liên quan thì thời hạn hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa được tính từ thời điểm nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định.
Trường hợp lô hàng có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp thì Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan gia hạn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, nhưng tối đa không quá 02 ngày.
Việc kiểm tra phương tiện vận tải phải bảo đảm kịp thời việc xếp dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, việc xuất cảnh, nhập cảnh của hành khách và bảo đảm việc kiểm tra, giám sát hải quan
Hàng hóa được thông quan sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan. Việc thông quan hàng hóa xem cụ thể tại Điều 37 Luật Hải quan 2014.
Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vào ngày lễ, ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc để bảo đảm kịp thời việc xếp dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, việc xuất cảnh, nhập cảnh của hành khách, phương tiện vận tải hoặc trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan và phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn hoạt động hải quan.
Sau khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp cần nộp các loại thuế liên quan đến mỹ phẩm nhập khẩu, cụ thể là thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.
3. Thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.
Doanh nghiệp khi nhập khẩu mỹ phẩm phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về xuất nhập khẩu, cụ thể theo biểu xuất thuế quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP. Tùy thuộc vào loại mặt hàng mỹ phẩm, tùy thuộc vào khu vực mậu dịch ở các quốc gia khác nhau mà mức thuế xuất áp dụng cho mỹ phẩm nhập khẩu khác nhau.
Công thức tính thuế áp dụng thuế suất theo tỉ lệ % như sau:
– Thuế Nhập khẩu = Trị giá tính thuế x Thuế suất thuế nhập khẩu.
– Thuế Gía trị gia tăng = (Trị giá tính thuế + Thuế Nhập khẩu) x Thuế suất thuế GTGT.
Quý thành viên có thể tra cứu biểu thuế nhập khẩu tổng hợp Tại đây.
Căn cứ pháp lý:
– Hiệp định về hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm.
– Luật Hải quan 2014.
– Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007.
– Nghị định 125/2017/NĐ-CP.
– Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
– Thông tư số 39/2015/TT-BTC.
– Thông tư 06/2011/TT-BYT.
– Thông tư 277/2016/TT-BTC.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc