Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai

Luật Hùng Phúc 60 lượt xem Bản tin Pháp luật, Đất đai, Tin tức

Ngày làm việc đầu tiên, Hội nghị Trung ương lần thứ 5 bàn nhiều vấn đề quan trọng về chính sách, pháp luật đất đai.

Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành (BCH) Trung ương khóa XIII đã bắt đầu ngày làm việc đầu tiên, 4-5, trong nghị trình dự kiến sẽ kéo dài khoảng một tuần. Sau phát biểu khai mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị – thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng đã báo cáo và trung ương biểu quyết chương trình làm việc.

Xem xét thể chế hóa chính sách đất đai

Với phương thức làm việc mới, Bộ Chính trị không trình bày các báo cáo. Các ủy viên trung ương với tài liệu đã được gửi trước về các phòng họp tổ để thảo luận nội dung đầu tiên – đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 được Trung ương khóa XI ban hành sau Hội nghị Trung ương 6 năm 2012 về “tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới”.

Đất đai như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đất đai như Karl Marx nói “lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất”.

Đất đai quan trọng như vậy, song ở nước ta, “nhiều người giàu lên nhờ đất nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất… Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai” – như lời phát biểu khai mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Với tính chất hệ trọng và phức tạp như vậy, Hội nghị Trung ương 5 dành gần như trọn ngày làm việc đầu tiên để các ủy viên trung ương thảo luận ở tổ. Qua đó nhiều ủy viên trung ương có điều kiện phát biểu ý kiến, đóng góp cho đề án tổng kết Nghị quyết 19 mà Bộ Chính trị đã dày công chuẩn bị. Theo chương trình, nội dung này sẽ tiếp tục được trung ương thảo luận ở hội trường trong phiên họp toàn thể sáng mai.

Trong bài phát biểu khai mạc hôm qua, về mảng chính sách, pháp luật đất đai, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung vào một số công tác lớn.

Thứ nhất, nghị quyết của Đảng chỉ có thể đi vào cuộc sống thông qua công tác thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vậy sau 10 năm, Nghị quyết 19 về chính sách, pháp luật đất đai thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được thể chế hóa như thế nào? Những điểm gì thể chế hóa đúng, điểm gì chưa đúng? Những quan điểm, yêu cầu quan trọng nào của nghị quyết chưa được thể chế hóa hoặc chưa được thực hiện một cách nghiêm túc? Tình hình thực hiện trong thực tế như thế nào? Những chủ trương, chính sách gì cần bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh?

Thứ hai, về việc khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai, cần tập trung làm rõ vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp? Tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?

Cùng với việc đánh giá đầy đủ các mặt được và chưa được sau 10 năm triển khai Nghị quyết 19 nêu trên thì trung ương cũng cần đánh giá đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013. Đâu là do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn? Và đâu là do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước; do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm?

Thứ ba, từ các nội dung lớn nêu trên, các ủy viên trung ương đề xuất chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai; chú ý các vấn đề hiện đang vướng mắc hoặc gây bức xúc trong xã hội và những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Chẳng hạn, nhận thức thế nào cho thật đầy đủ, đúng đắn đối với sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Nhận thức về quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước với vị trí, vai trò đại diện chủ sở hữu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai và khi là chủ thể sử dụng đất.

Đồng thời cũng phải làm rõ hơn chủ trương, chính sách về đất đai trong giai đoạn phát triển tới đây, làm sao để đạt các mục tiêu tổng quát về kinh tế – xã hội cho dịp 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 2030, 100 năm thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2045. Rất nhiều vấn đề cần tiếp tục mổ xẻ, nhất là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất; về hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; về tài chính đất đai, xác định giá đất và phát triển thị trường bất động sản.

Một cách toàn diện, các nội dung về chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, đất cho tôn giáo, tín ngưỡng cũng cần Hội nghị Trung ương 5 đề ra đường lối tiếp tục đổi mới.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5. Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5. Ảnh: TTXVN

Thảo luận dựa trên quan điểm, nguyên tắc cơ bản

Các vấn đề mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra đều rất hệ trọng và không kém phần phức tạp. Vậy nên phương pháp thảo luận, đánh giá theo đề xuất, gợi ý của người đứng đầu Đảng là “cần nắm vững phương pháp duy vật biện chứng, các quan điểm và nguyên tắc cơ bản đã được xác định trong Cương lĩnh của Đảng và hiến pháp”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội XI của Đảng bổ sung, phát triển năm 2011 và Hiến pháp 2013 mà Quốc hội ban hành sau đó cho đến nay vẫn là cơ sở có tính nền tảng cho các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

“Đất đai” không được nhắc tới trong Cương lĩnh của Đảng nhưng chế độ pháp lý về đất đai được mô tả rõ trong Hiến pháp 2013:

Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.

Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.

Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai.

Hội nghị Trung ương 5 thảo luận sáu nội dung chính

1. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.
2. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
3. Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
4. Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
5. Đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
6. Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư năm 2021 và một số vấn đề quan trọng khác.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.