Tranh chấp thừa kế đất đai có bắt buộc hòa giải tại UBND Xã?

Luật Hùng Phúc 115 lượt xem Các tranh chấp đất đai thông dụng, Đất đai

Tranh chấp thừa kế liên quan đến đất đai rất phổ biến và thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Tranh chấp thừa kế đất đai có bắt buộc hòa giải tại UBND cấp Xã hay không là câu hỏi mà nhiều độc giả gửi đến Luật Hùng Phúc trong thời gian gần đây. Chúng tôi xin được giải đáp thắc mắc này qua bài viết dưới đây.

1. Tranh chấp thừa kế đất đai có bắt buộc hòa giải tại cấp Xã?

1.1. Tranh chấp đất đai phải hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) trước khi khởi kiện

Khi xảy ra tranh chấp đất đai, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở (thông qua hòa giải viên).

Trường hợp các bên tranh chấp không hòa giải được thì phải hòa giải bắt buộc tại UBND cấp xã nơi có đất nếu muốn khởi kiện hoặc đề nghị UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết.

Nội dung này được quy định rõ tại khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013 như sau:

“2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.”

Như vậy, tranh chấp đất đai phải hòa giải bắt buộc tại UBND cấp xã nơi có đất trước khi khởi kiện, trường hợp không hòa giải mà nộp đơn trực tiếp lên Tòa án thì Tòa sẽ không thụ lý vì không đủ điều kiện khởi kiện.

1.2. Tranh chấp thừa kế đất đai không bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã

Nhiều người nghĩ tranh chấp thừa kế đất đai là tranh chấp đất đai nên gửi đơn hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất theo quy định tại khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013 nhưng thực tế không phải vậy.

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.

Như vậy, tranh chấp thừa kế đất đai hay còn gọi là tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất không bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất vì không phải là tranh chấp đất đai (chỉ được xem là tranh chấp liên quan đến đất đai).

Khi xảy ra tranh chấp thừa kế đất đai các bên tranh chấp có quyền gửi đơn khởi kiện luôn đến Tòa án nhân dân theo quy định.

Xem thêm:

Tranh chấp thừa kế đất đai có bắt buộc hòa giải tại UBND Xã?
Tranh chấp thừa kế đất đai có bắt buộc hòa giải tại UBND Xã?

2. Trình tự, thủ tục khởi kiện tranh chấp thừa kế liên quan đến đất đai

2.1. Thành phần hồ sơ

Căn cứ Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm:

– Đơn khởi kiện theo mẫu.

– Giấy tờ tùy thân (Chứng minh thư nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu).

– Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

2.2. Trình tự thực hiện

Bước 1: Nộp hồ sơ tại TAND có thẩm quyền

Hình thức nộp đơn:

– Nộp trực tiếp tại Tòa án (phổ biến nhất).

– Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính.

– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). (Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Bước 2: Tiếp nhận và thụ lý vụ án

  • Thẩm phán dự tính tiền tạm ứng án phí phải nộp, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa thì người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án dân sự (xem trong giấy báo), sau khi nộp xong thì nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án
  • Sau khi nhận được biên lai, Thẩm phán thụ lý vụ án và ghi vào sổ thụ lý.
  • Trường hợp được miễn án phí, Tòa sẽ thụ lý ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện nếu có đủ điều kiện.

Bước 3: Chuẩn bị xét xử

Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm không quá 04 tháng, vụ án phức tạp được gia hạn không quá 02 tháng (theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

Bước 4: Xét xử sơ thẩm

Bước 5: Thi hành án (nếu không có kháng cáo, kháng nghị)

Bước 6: Xét xử phúc thẩm (nếu có kháng cáo, kháng nghị).

Trên đây là giải đáp của chúng tôi cho câu hỏi “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất có bắt buộc hòa giải tại UBND cấp xã?” Mọi vướng mắc cần hỗ trợ hoặc giải đáp liên quan đến tranh chấp đất đai vui lòng liên hệ Hotline: 0984 62 4444 để được tư vấn trực tiếp và chuyên sâu.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.