Trình tự giải quyết vụ án hành chính theo Luật tố tụng hành chính 2015 |
Vụ án hành chính là vụ án phát sinh khi cá nhân tổ chức khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét tính hợp pháp của Quyết định hành chính, hành vi hành chính của Cơ quan Nhà nước và được Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật.
Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân Người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện. – Trình tự giải quyết vụ án hành chính được quy định tại Luật tố tụng hành chính 2015 như sau: Bước 1. Thụ lý vụ án (điều 125): Sau khi nhận đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, nếu Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện xét thấy vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thì thông báo cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí; trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì thông báo cho người khởi kiện biết về việc thụ lý vụ án. – Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán đã thực hiện việc xem xét đơn khởi kiện và thụ lý vụ án giải quyết vụ án; trường hợp Thẩm phán đã thực hiện việc xem xét đơn khởi kiện và thụ lý vụ án không thể tiếp tục giải quyết vụ án hoặc thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán khác giải quyết vụ án.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán đã thụ lý vụ án phải thông báo bằng văn bản cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình về yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có).
Bước 2. Chuẩn bị xét xử (điều 130): Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án, trừ vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài và vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri được quy định như sau:
– 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp đó là quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần nhưng không quá 02 tháng
– 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp đó làquyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần nhưng không quá 01 tháng
– Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Bước 3. Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (điều 149): Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
– Các quyết định trong giai đoạn chuẩn bị xét xử:
+ Tạm đình chỉ giải quyết vụ án
+ Đình chỉ giải quyết vụ án
+ Quyết định đưa vụ án ra xét xử
– Mở phiên tòa sơ thẩm khi giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án cấp sơ thẩm
+ Bắt đầu phiên tòa, gồm các công việc sau:
* Khai mạc phiên tòa: Chủ tọa phiên tòa khai mạc và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử
* Giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định và người phiên dịch
* Bảo đảm tính khách quan của người làm chứng
+ Tranh tụng tại phiên tòa
Nghị án và tuyên án
* Nghị án: là việc Hội đồng xét xử xem xét, quyết định giải quyết vụ án.
* Tuyên án: Sau khi bản án đã được thông qua, Hội đồng xét xử trở lại phòng xét xử để tuyên án.
Bước 4. Xét xử phúc thẩm: là việc Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
a) Thời hạn kháng cáo, kháng nghị trong giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án cấp phúc thẩm:
+ Thời hạn kháng cáo: (điều 206)
Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo kể từ ngày tuyên án.
Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 7 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc nơi có trụ sở trong trường hợp người có quyền kháng cáo là cơ quan, tổ chức.
Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giữ hoặc bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày làm đơn kháng cáo theo xác nhận của người có thẩm quyền của nhà tạm giữ, trại tạm giam.
+ Thời hạn kháng nghị: (điều 213)
Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án.
Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 7 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.
Khi Tòa án nhận được quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát mà quyết định kháng nghị đó đã quá thời hạn quy định thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu Viện kiểm sát giải thích bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án cấp phúc thẩm
– Chuẩn bị xét xử phúc thẩm trong giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án cấp phúc thẩm
+ Thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm
Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị và hết thời hạn kháng cáo, người kháng cáo nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm Chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
– Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm
Trừ vụ án xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm là 60 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án. Trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án. Tùy từng trường hợp, Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định sau đây:
+ Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án
+ Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án
+ Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 60 ngày. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
c) Phiên toà phúc thẩm và những quyết định tố tụng trong giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án cấp phúc thẩm
-Phạm vi xét xử phúc thẩm: Phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị.
– Xem xét việc hoãn hoặc tiếp tục phiên toà phúc thẩm
Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa phúc thẩm vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm.
+ Người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ:
* Lần thứ nhất mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.
* Lần thứ hai mà vắng mặt thì bị coi như từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó. Trường hợp người đó đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ. Trường hợp người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
+ Người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập hợp lệ:
* Lần thứ nhất mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.
* Lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.
– Hỏi về việc kháng cáo, kháng nghị và xử lý việc thay đổi kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa
– Tranh tụng tại phiên toà phúc thẩm
– Nghị án và tuyên án
Bước 5. Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính: (điều 254, 281)
Thủ tục giám đốc thẩm:
Giám đốc thẩm vụ án hành chính là thủ tục chỉ được tiến hành khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị chủ thể có thẩm quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp đương sự không đồng tình với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì họ chỉ có quyền đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực theo thủ tục giám đốc thẩm.
Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quyền kháng nghị trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa.
– Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Hội đồng giám đốc thẩm có thể ra một trong các quyết định giám đốc thẩm sau:
+ Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
+ Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa.
+ Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại.
+ Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã giải quyết vụ án và đình chỉ việc giải quyết vụ án. Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Quyết định giám đốc thẩm vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thủ tục tái thẩm:
– Tái thẩm vụ án hành chính là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó. Trong trường hợp đương sự không đồng tình với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì họ chỉ có quyền đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực theo thủ tục tái thẩm.
– Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định.
– Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Hội đồng tái thẩm có thể ra một trong các quyết định tái thẩm sau:
+ Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
+ Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Luật Tố tụng hành chính quy định.
+ Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án. Trên đây là tòan bộ trình tự giải quyết vụ án hành chính theo Luật tố tụng hành chính 2015. Mọi người tham khảo nhé ! |
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc