Doanh nghiệp có trách nhiệm trả lương đầy đủ và đúng thời hạn cho người lao động. Trên thực tế, vẫn có nhiều trường hợp người lao động nghỉ làm do ốm đau, việc cá nhân…mà không được hưởng lương của ngày nghỉ đó. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật về vấn đề lao động, người lao động vẫn được nhận đủ 100% lương khi nghỉ việc trong một vài trường hợp.
(Nguồn Internet)
1. Nghỉ hằng năm
Quy định cụ thể tại Điều 111 Bộ luật lao động 2012 :
“Điều 111. Nghỉ hằng năm
1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành…”
Doanh nghiệp có quyền quy định về lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo khảo ý kiến người lao động và thông báo trước cho người lao động. Mặc dù, lịch nghỉ này là do doanh nghiệp ấn định, nhưng người lao động có quyền thỏa thuận với phía doanh nghiệp để được nghỉ thành nhiều lần trong năm hoặc nghỉ gộp 3 năm 1 lần. Trường hợp người lao động không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.
Quý thành viên có thể tham khảo công việc: Chế độ ngày nghỉ hằng năm của người lao động.
2. Nghỉ tết dương lịch, Tết âm lịch, ngày 30/4, Quốc tế lao động, ngày quốc khánh, ngày giỗ tổ Hùng vương…
Quy định cụ thể tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 115 Bộ luật lao động 2012:
“Điều 115. Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ…”
3. Nghỉ kết hôn, nghỉ khi con kết hôn
Quy định cụ thể tại điểm a, b Khoản 1 Điều 116 Bộ luật lao động 2012:
“Điều 116. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con kết hôn: nghỉ 01 ngày;
…”
Riêng đối với trường hợp bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn thì người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và người lao động cũng có thể thỏa thuận với nhau để cho người lao động nghỉ không hưởng lương.
4. Nghỉ khi bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết
Quy định cụ thể tại điểm c, khoản 1 Điều 116 Bộ Luật lao động 2012:
“Điều 116. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:
…
c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày…
…”
Trong trường hợp ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết thì người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận với nhau để cho người lao động nghỉ không hưởng lương.
Quý thành viên có thể tham khảo công việc: Các chế độ ngày nghỉ cho người lao động.
Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong các trường hợp 1,2,3,4 nêu trên là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của doanh nghiệp (nhưng tối đa không quá 26 ngày ) nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương.
5. Người lao động nghỉ việc do doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật
Quy định cụ thể tại Điều 42 Bộ Luật lao động 2012:
“Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.”
Khi có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì doanh nghiệp có nghĩa vụ tiên quyết là bồi thường cho người lao động khoản tiền bằng tiền lương trong những ngày họ không được làm việc, cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Quý thành viên có thể tham khảo công việc: Nghĩa vụ của doanh nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
6. Người lao động bị tạm đình chỉ công việc
Quy định cụ thể tại Khoản 4, Điều 129 Bộ luật lao động 2012
“Điều 129. Tạm đình chỉ công việc
…
4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.”
Doanh nghiệp có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi xét thấy vụ việc vi phạm có tình tiết phức tạp và nếu người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây ra những khó khăn cho việc xác minh. Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, doanh nghiệp phải nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
Quý thành viên có thể tham khảo công việc: Tạm đình chỉ công việc do xử lý kỷ luật lao động.
7. Người lao động thấy có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động
Quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 140 Bộ Luật lao động 2012
“Điều 140. Xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp
…
2. Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình và phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp. Người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc đó hoặc trở lại nơi làm việc đó nếu nguy cơ chưa được khắc phục.”
8. Nghỉ việc trong thời gian điều trị
Quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 144 Bộ luật lao động 2012:
“Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
….
2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.”
Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi người lao động của mình bị tai nạn lao động hoặc bị bệnh nghề nghiệp đồng thời trả đủ tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
Quý thành viên có thể tham khảo công việc: Trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
9. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07 chuyển làm công việc nhẹ hơn
Quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ Luật lao động 2012
“Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ
…
2. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương ”
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu không chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ mang thai theo quy định theo quy định tại Điểm b, c, Khoản 2, Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Quý thành viên có thể tham khảo tại bài viết: 08 lưu ý khi doanh nghiệp sử dụng lao động nữ mang thai
10. Lao động nữ hành kinh
Quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP
“Điều 7. Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ
…
2. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ như sau:
a) Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng;
b) Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
c) Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.”
Vì vậy lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
11. Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng
Quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP:
“Điều 7. Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ
…
3. Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ như sau:
a) Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi;
b) Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.”
Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc