Vừa qua, dịch bệnh Covid 19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đứng trước tình hình đó, chính phủ đã có chính sách hỗ trợ về vốn để giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, luật sư xin chia sẻ về “Chính sách hỗ trợ về vốn đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19”.
Về nội dung hỗ trợ:
Ngày 14/2/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2020, trong đó giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV”.
Ngày 04/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng)”.
Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, hiện nay các Ngân hàng đã lần lượt công bố các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid, tập trung chủ yếu vào việc giảm lãi suất cho vay và đơn giản hóa thủ tục cho vay của ngân hàng. Tổng các gói hỗ trợ do các Ngân hàng công bố đến nay khoảng 285.000 tỷ đồng và mức lãi suất cho vay ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thấp hơn từ 0,5% đến cao nhất 2% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.
Ví dụ:
- Ngân hàng SHB:
Ngày 25/2/2020, Ngân hàng SHB công bố gói tín dụng 3.000 tỷ đồng. Theo đó, từ 25/2/2020 đến ngày 30/6/2020, SHB sẽ hỗ trợ giảm lãi suất lên tới 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các khoản vay bằng VNĐ và 0,5%/năm đối với các khoản vay bằng USD.
- Ngân hàng BIDV:
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố gói tín dụng ngắn hạn quy mô 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD dành cho các doanh nghiệp có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, BIDV sẽ giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1% một năm đối với khoản vay bằng VND và 0,5% một năm với khoản vay USD so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn đang áp dụng với khách hàng tại thời điểm gần nhất, đảm bảo không thấp hơn sàn lãi suất cho vay của BIDV trong từng thời kỳ. Gói tín dụng triển khai từ ngày 21/2 đến 30/6/2020 (hoặc đến khi hết quy mô gói).
Ngoài ra từ 14/2/2020, BIDV có gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
* Căn cứ pháp lý
- Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
- Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 14/2/2020 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2020;
Trên đây là tư vấn của Luật sư về một số chính sách hỗ trợ vốn của chính phủ dành cho doanh nghiệp. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, Quý doanh nghiệp hãy liên hệ với chúng tôi theo hotline 0979.80.1111 hoặc email vplshungphuc@gmail.com để được hỗ trợ. Rất mong được hợp tác!
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc