Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất (theo từng thời kỳ người sử dụng thường gọi là sổ đỏ hay sổ hồng) là chứng thư pháp lý quan trọng. Tuy nhiên, có rất nhiều khách hàng còn nhiều thắc mắc, câu hỏi liên quan đến chứng từ này. Luật Hùng Phúc xin giải đáp một số thắc mắc được gửi nhiều tại hòm thư như sau:
1. Sổ đỏ và sổ hồng khác nhau như thế nào?
Sổ đỏ và sổ hồng là một tên gọi tắt của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà người dân thường gọi. Tuy nhiên cùng là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tại sao lại gọi là sổ đỏ và sổ hồng? Dưới đây là một số điểm để phân biệt Sổ đỏ và Sổ hồng:
– Sổ đỏ là tên gọi của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất (theo khoản 20 Điều 4 Luật Đất đai 2003)
– Sổ hồng là tên gọi của Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở được cấp cho chủ sở hữu theo quy định:
– Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì cấp một giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
– Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (Theo Điều 11 Luật Nhà ở 2005).
– Cơ quan ban hành: Sổ đỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, Sổ hồng do Bộ xây dựng ban hành.
– Về hình thức: Sổ đỏ có màu đỏ, Sổ hồng có màu hồng nhạt
Tuy nhiên, ngày 10/12/2009, Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực đã quy định thống nhất hai loại giấy nêu trên thành một loại giấy chung có tên gọi: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Tại khoản 16, Điều 3, Luật Đất đai hiện hành quy định: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
2. Giá trị pháp lý của sổ đỏ và sổ hồng?
Điều 97 Luật Đất đai 2013 quy định, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10/12/2009 vẫn có giá trị pháp lý và không bắt buộc phải đổi sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp người đã được cấp giấy chứng nhận trước ngày 10/12/2009 có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định. Như vậy một số khách hàng thắc mắc có bắt buộc thực hiện cấp đổi hay không thì câu trả lời là sổ đỏ và sổ hồng đều có giá trị pháp lý như nhau và không bắt buộc phải đổi sang mẫu mới.
3. Một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đứng tên mấy người?
Theo quy định tại khoản 2, Điều 98, Luật Đất đai năm 2013 như sau: Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
Như vậy, nếu thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung tài sản gắn liền với đất thì giấy chứng nhận phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền. Hay nói cách khác, giấy chứng nhận không giới hạn về số lượng người đứng tên trên giấy chứng nhận nếu họ có chung quyền.
4. Sổ đỏ mang tên người đã chết không để lại di chúc thì phải làm gì?
Bước 1: Khai nhận thừa kế
Sau khi xác định người có quyền hưởng di sản cha mẹ để lại là nhà đất thì người được nhận di sản muốn sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ bố mẹ sang tên của mình thì đầu tiên cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
Đủ 15 ngày niêm yết, nếu không có ai thắc mắc hay tranh chấp gì thì người nhận thừa kế hoặc Văn phòng công chứng sẽ đến UBND xã, phường để lấy thông báo thừa kế đã đóng dấu xác nhận của UBND. Sau đó, Văn phòng công chứng sẽ tiến hành lập văn bản khai nhận di sản thừa kế đối với mảnh đất của cha mẹ để lại.
Bước 2: Thực hiện thủ tục đăng ký tại văn phòng đăng ký đất đai
Chuẩn bị hồ sơ gồm:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/Sổ đỏ/Sổ hồng;
– Văn bản khai nhận di sản thừa kế được lập tại Văn phòng công chứng;
– Chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của người nhận thừa kế;
– Đơn đăng ký biến động đất đai/tài sản gắn liền với đất theo mẫu;
– Tờ khai lệ phí trước bạ;
– Tờ khai thuế thu nhập cá nhân;
– Tờ khai thuế đất phi nông nghiệp hoặc xác nhận đóng thuế đất phi nông nghiệp;
– Sơ đồ vị trí thửa đất.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, bộ phận 1 cửa sẽ chuyển hồ sơ qua chi cục thuế để tiến hành thẩm định và ra thông báo nộp thuế. Căn cứ vào thời gian ghi trên giấy hẹn trả kết quả để thực hiện việc đóng các khoản thuế theo quy định và tới văn phòng đăng ký đất đai để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.
Trên đây là bài viết giải đáp một số thắc mắc liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Phần 1). Mời quý khách hàng đón đọc phần 2 trong bài viết tiếp theo.
Xem thêm:
- CÁCH XEM GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CHUẨN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT.
- Fanpage: Văn phòng Luật sư Hùng Phúc
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc