Quyền thừa kế là những quyền cơ bản của công dân được pháp luật ghi nhận và bảo hộ. Điều mà nhiều người thắc mắc, đó là quyền của con ngoài giá thú có được pháp luật công nhận, đặc biệt con ngoài giá thú có được hưởng di sản thừa kế hay không? Cùng Luật Hùng Phúc tìm hiểu trong bài viết dưới đây:
1. Khái niệm
Pháp luật hiện nay không đưa ra định nghĩa thế nào là con trong giá thú hay con ngoài giá thú. Căn cứ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì pháp luật Việt Nam chỉ công nhận một cuộc hôn nhân hợp pháp khi các bên đủ điều kiện kết hôn và thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND xã/phường). Nhưng xét về thực tế, có thể hiểu: con ngoài giá thú là con được sinh ra khi bố mẹ không đăng ký kết hôn.
Các trường hợp có thể phát sinh con ngài giá thú bao gồm: Nam, nữ đều còn độc thân có quan hệ tình cảm với nhau, sinh con ra nhưng không đăng ký kết hôn.
Nam, nữ (một trong hai bên hoặc cả hai bên) đã kết hôn với người khác nhưng có quan hệ tình cảm với nhau và sinh con.
Con được sinh ra trong thời gian nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, bao gồm cả trường hợp vợ chồng đã ly hôn, sau đó sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn lại.
Ví dụ: A (nam) đủ 19 tuổi, B (nữ) đủ 18 tuổi có quan hệ yêu đương với nhau và sống chung với nhau như vợ chồng rất hạnh phúc. Trong thời gian sống thử chung, A và B có một đứa con gái. Tuy nhiên, A và B không đi đăng ký kết hôn nên con của A và B được xác định là con ngoài giá thú.
2. Con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế không?
Khẳng định: Con ngoài giá thú vẫn được hưởng thừa kế. Bởi theo khoản 2 Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau với cha mẹ của mình. Như vậy, có thể suy ra dù con ngoài giá thú hay con trong giá thú thì pháp luật quy định cũng đều có quyền, nghĩa vụ với cha mẹ như nhau. Cho nên, nếu cha mẹ chết thì con ngoài giá thú vẫn được hưởng thừa kế nếu không thuộc trường hợp bị truất quyền thừa kế hoặc tù chối di sản thừa kế.
Việc nhận thừa kế sẽ được thực hiện theo 2 hình thức: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
- Nhận thừa kế theo di chúc:
Tại điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của người lập di chúc. Theo đó, người lập di chúc sẽ có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hửng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;… Cho nên, nếu như con ngoài giá thú được chỉ định hưởng di sản thừa kế thì vẫn được hoàn toàn hưởng di sản thừa kế.
Trường hợp nếu con ngoài giá thú không có tên trong di chúc hưởng di sản thừa kế nhưng là con chưa thành niên, con thành niên mà không có khả năng lao động thì vẫn được hưởng ít nhất 2/3 suất của một người thừa kế. Tuy nhiên, để được hưởng 2/3 suất thừa kế này thì người con ngoài giá thú phải chứng minh được bản thân là con đẻ của người để lại di sản thừa kế (Điều 664 Bộ luật dân sự năm 2015).
- Nhận thừa kế theo pháp luật:
Đối với nhận thừa kế theo pháp luật thì di sản thừa kế sẽ được chia theo quy định của pháp luật về hàng thừa kế. Tại khoản 1 Điều 651 thì những người thừa kế theo quy định của pháp luật được thực hiện theo thứ tự:
+ Hàng thừa kế 1: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
+ Hàng thừa kế 2: ông nội, bà nọi, ông ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
+ Hàng thừa kế 3: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Vì pháp luật không quy định, không phân biệt con ngoài giá thú và con trong giá thú nên nếu là con của người để lại thừa kế thì hoàn toàn có quyền được hưởng thừa kế theo pháp luật.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc