Khởi kiện phân chia di sản thừa kế chủ yếu xảy ra giữa những người có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng. Vậy trong gia đình, ai có quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết? Thời hiệu khởi kiện một vụ án phân chia di sản thừa kế là bao lâu? Hãy cùng Luật Hùng Phúc tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
1. Ai có quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 có hai hình thức thừa kế chính là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Người được chỉ định trong di chúc để nhận phần di sản được gọi là người có quyền thừa kế theo di chúc. Khi không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì được áp dụng chia di sản thừa kế theo pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015, những người có quyền thừa kế theo pháp luật được xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, những người có quyền hưởng di sản thừa kế của người mất để lại nhưng không được chia thừa kế có quyền tiến hành khởi kiện tại Toà án. Ngoài ra, theo Điều 644 BLDS 2015 thì người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc cũng có quyền khởi kiện chia di sản thừa kế.
2. Thời điểm mở thừa kế
Khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
3. Thời hiệu khởi kiện vụ án phân chia di sản thừa kế
Điều 623, Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”.
Như vậy, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản được quy định rõ ràng nhằm đảm bảo tính công bằng và pháp lý. Trong đó, thời hiệu này được tính từ thời điểm mở thừa kế, là thời điểm người có tài sản chết, được quy định tại Điều 611 BLDS năm 2015.
Cụ thể, đối với bất động sản, thời hiệu để yêu cầu chia di sản là 30 năm, trong khi đối với động sản, thời hiệu này là 10 năm. Trong vòng thời hiệu này, người thừa kế có quyền yêu cầu chia di sản theo tỷ lệ được quy định pháp luật. Tuy nhiên, nếu hết thời hiệu này mà không có yêu cầu chia di sản, thì di sản đó sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Ngoài ra, theo Hướng dẫn số 24/HD-VKSTC ngày 12/5/2021, có một số trường hợp về thời hiệu khởi kiện cần nắm rõ như sau:
– Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990, cụ thể: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản được tính từ ngày 10/9/1990.
– Trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1991 mà không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia và di sản thừa kế là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định tại Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10. Theo đó, thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện (theo khoản 2 Điều 17 Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10).
– Trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia và di sản thừa kế là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được xác định theo quy định tại Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11. Theo đó, thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/9/2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện (theo khoản 2 Điều 39 Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11).
4. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết khởi kiện chia di sản thừa kế
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 26, Điều 35 và Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân (trừ trường hợp đương sự hoặc tài sản nằm ở nước ngoài thì sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh).
Đối với vụ việc khởi kiện chia tài sản thừa kế không có di chúc hay có di chúc nhưng đối tượng là bất động sản thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản, được quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Trên đây là bài viết về “Ai có quyền khởi kiện chia thừa kế”.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc