CÁC CHẾ ĐỘ KHI THAM GIA BHXH BẮT BUỘC MÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC HƯỞNG KHI NÀO?

Hùng Phúc VP Luật sư 58 lượt xem BHXH, Lao động, Theo dòng thời sự pháp lý

Tham gia BHXH giúp người lao động đỡ khó khăn khi gặp rủi ro, khó khăn trong cuộc sống làm bị giảm, mất thu nhập hoặc các điều kiện sinh sống khác, chẳng hạn bị ốm đau, tai nạn, tuổi già, tử vong… Vì vậy khi tham gia BHXH, người lao động được bảo đảm về quyền lợi của mình trong lúc mình bị mất hoặc suy giảm khả năng lao động, ốm đau bệnh tật… Tuy nhiên, các quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc không phải ai cũng biết. Văn phòng Luật sư Hùng Phúc xin giới thiệu quy định của pháp luật về vấn đề này như sau:

1. Chế độ ốm đau: Dành cho người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi:

+ Người lao động bị ốm đau, tai nạn (mà không phải là tai nạn lao động) phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

+ Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

2. Chế độ thai sản: Dành cho người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các trường hợp sau:

+ Người lao động nữ mang thai;

+ Người lao động nữ sinh con;

+ Người lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

+ Người lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

+ Người lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

+ Người lao động nam có vợ sinh con.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể nói trên mà người lao động được hưởng các chế độ sau:

+ Chế độ khám thai;

+ Chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý;

+ Chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai;

+ Chế độ khi sinh con;

+ Chế độ khi nhận nuôi con nuôi;

+ Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Chế độ tai nạn lao động: Dành cho người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi:

+ Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây: (a) tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; (b) ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; (c) trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

+ Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn lao động trong các trường hợp nói trên.

4. Chế độ bệnh nghề nghiệp: Dành cho người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi:

+ Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;

+ Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại.

5. Chế độ hưu trí: Dành cho người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

+ Nam từ đủ 55 tuổi đến 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

+ Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

+ Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Người lao động nếu thuộc một trong các trường hợp trên sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả lương hưu hàng tháng.

6. Chế độ tử tuất: Dành cho thân nhân của người lao động khi người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc chết trong các trường hợp sau:

+ Có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên;

+ Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng đã nghỉ việc. 7. Căn cứ pháp lý

– Luật Bảo hiểm xã hội 2014;

– Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

luathungphuc.vn

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.