Trước khi mua đất để tránh tình trạng gặp phải rủi ro không đáng có, người dân nên kiểm tra tình trạng pháp lý nhà đất trước khi thực hiện mua bán. Dưới đây là 03 cách kiểm tra pháp lý nhà đất phổ biến nhất.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất
Theo đó, để đảm bảo nhà đất có đầy đủ điều kiện pháp lý để thực hiện mua bán, chuyển nhượng, người mua có thể kiểm tra bằng các biện pháp sau đây:
1. Đề nghị bên chuyển nhượng xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013 và khoản 1 Điều 118 Luật Nhà ở 2014, người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở khi có Giấy chứng nhận, trừ 02 trường hợp theo quy định tại Điều 168 và Điều 186 Luật Đất đai 2013.
Sau khi nhận được Giấy chứng nhận có thể tự mình kiểm tra các thông tin về nhà đất tại trang 2 của Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, không phải ai cũng phát hiện được Giấy chứng nhận thật, giả. Xem cách kiểm tra giấy chứng nhận thật, giả tại đây[1]
Yêu cầu bên chuyển nhượng xuất trình Giấy chứng nhận là cách kiểm tra xem nhà đất có hay không có Giấy chứng nhận, kể cả khi đặt cọc. Việc làm này giúp hạn chế rủi ro tối đa, tránh trường hợp người dân mua phải đất không có sổ.
2. Kiểm tra thời hạn sử dụng đất
Theo Khoản 7 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, thời hạn sử dụng đất được ghi tại trang 2 của giấy chứng nhận như sau:
– Đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì ghi thời hạn theo quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thì ghi thời hạn sử dụng được công nhận theo quy định của pháp luật về đất đai.
– Trường hợp sử dụng đất có thời hạn thì ghi “Thời hạn sử dụng đất đến ngày …/…/… (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng)”.
– Thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài thì ghi “Lâu dài”.
– Thửa đất ở có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận là một phần thửa đất thì ghi thời hạn sử dụng đất theo từng mục đích sử dụng đất “Đất ở: Lâu dài; Đất… (ghi tên mục đích sử dụng theo hiện trạng thuộc nhóm đất nông nghiệp đối với phần diện tích vườn, ao không được công nhận là đất ở): sử dụng đến ngày …/…/… (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng)”.
Như vậy, người dân chỉ cần căn cứ vào trang 2 của giấy chứng nhận sẽ biết chính xác đất còn thời hạn sử dụng hay không.
3. Kiểm tra đất có thuộc quy hoạch, thế chấp, tranh chấp không
Có một số cách kiểm tra xem nhà đất có thuộc quy hoạch, thế chấp hoặc tranh chấp hay không mà người dân có thể áp dụng, cụ thể:
– Xem quy hoạch sử dụng đất trực tiếp tại trụ sở UBND xã, huyện nơi có đất.
– Xem trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện biết đất có thuộc quy hoạch hay không.
– Hỏi ý kiến công chức địa chính cấp xã hoặc người dân tại khu vực có thửa đất để có thêm thông tin.
– Xin thông tin tại văn phòng đăng ký đất đai.
Trên đây là 03 biện pháp kiểm tra pháp lý nhà đất trước khi mua bán, chuyển nhượng. Để hạn chế tối đa rủi ro có thể gặp phải, người dân nên kiểm tra tình trạng pháp lý của căn nhà, thửa đất mình muốn mua thật kỹ trước khi ký hợp đồng đặt cọc.
Mọi vấn đề thắc mắc cần giải đáp liên quan đến thủ tục hành chính, tranh chấp đất đai vui lòng liên hệ Hotline: 0931 70 4444 để được tư vấn trực tiếp và chuyên sâu.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc