Căn cứ để Toà án trao quyền nuôi con sau ly hôn

Hà Xuyên 31 lượt xem Hôn nhân gia đình

Ly hôn là một trong những quyết định khó khăn nhất mà các cặp vợ chồng có thể đối mặt. Khi quyết định ly hôn, một trong những vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết là quyền nuôi con.

Căn Cứ để Toà án Trao Quyền Nuôi Con Sau Ly Hôn
Căn Cứ để Toà án Trao Quyền Nuôi Con Sau Ly Hôn

Ai là người nuôi con sau ly hôn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người con. Tại Việt Nam, pháp luật quy định rõ ràng về việc xác định quyền nuôi con sau ly hôn nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ. Vậy căn cứ để xem xét quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn là gì, Luật Hùng Phúc sẽ giúp mọi người giải đáp thắc mắc trên.

1. Căn cứ để Toà án trao quyền nuôi con

Theo Điều 81 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, việc xác định quyền nuôi con sau khi ly hôn dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, Tòa án trao quyền nuôi con khi ly hôn dựa vào 03 căn cứ chính sau đây:

(1) Căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Trong đó, khi xem xét quyền lợi về mọi mặt của con, Tòa án phải đánh giá khách quan, toàn diện các tiêu chí sau đây:

+ Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;

+ Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;

+ Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;

+ Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;

+ Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;

+ Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;

+ Nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.

(theo khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP)

(2) Xem xét nguyện vọng của con khi con từ đủ 07 tuổi trở lên

(3) Con dưới 36 tháng tuổi được ưu tiên giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

2. Quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

– Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Trên đây là những chia sẻ của Luật Hùng Phúc về căn cứ để Tòa án trao quyền nuôi con sau ly hôn.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.