Cổ đông phải sở hữu bao nhiêu cổ phần để có quyền biểu quyết?

Luật Hùng Phúc 105 lượt xem Doanh nghiệp

Quyền biểu quyết là quyền quan trọng của công ty cổ phần. Đây là quyền thể hiện ý chí của cổ đông đối với các vấn đề thuộc Đại hội đồng cổ đông. Vậy phải sở hữu bao nhiêu cổ phần thì cổ đông mới có quyền biểu quyết?

1. Cổ đông là gì?

Cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần (theo khoản 3 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020).

Trong đó, cổ phần chính là vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau, cũng chính là phần vốn nhỏ nhất của công ty cổ phần.

Có thể nói, cổ đông chính là người góp vốn vào công ty cổ phần và sở hữu phần vốn góp tương ứng với số lượng cổ phần đã mua trong công ty. Và công ty cổ phần bắt buộc phải có tối thiểu 03 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa.

Có thể chia cổ đông thành 03 loại chính tương ứng với các loại cổ phần bao gồm: Cổ đông sáng lập, cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi (theo khoản 4 Điều 4, khoản 1, khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020). Cụ thể:

– Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất 01 cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.

– Cổ đông phổ thông là người sở hữu cổ phần phổ thông.

– Cổ đông ưu đãi là người sở hữu cổ phần ưu đãi: Cổ đông ưu đãi biểu quyết; cổ đông ưu đãi cổ tức; cổ đông ưu đãi hoàn lại và cổ đông ưu đãi khác.

Cổ đông là gì? Cổ đông phải sở hữu bao nhiêu cổ phần để có quyền biểu quyết?
Cổ đông là gì? Cổ đông phải sở hữu bao nhiêu cổ phần để có quyền biểu quyết?

2. Cổ đông sở hữu bao nhiêu cổ phần mới được biểu quyết?

Vốn có quyền biểu quyết trong công ty cổ phần chính là cổ phần, theo đó người sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Vốn có quyền biểu quyết có thể là vốn điều lệ hoặc vốn khác.

Với những công ty cổ phần chỉ có cổ phần phổ thông thì tổng số phiếu biểu quyết chính là vốn điều lệ, những trường hợp khác thì tổng số phiếu biểu quyết khác với vốn điều lệ.

Theo điểm a khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ đông có quyền tham dự và phát biểu trong các Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết.

Do đó, mỗi cổ đông dù chỉ sở hữu 01 cổ phần (cổ phần phổ thông hoặc cổ phần ưu đãi biểu quyết) cũng có quyền tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông.

Lưu ý: Công ty cổ phần ngoài cổ phần phổ thông còn có cổ phần ưu đãi. Trong đó, cổ phần ưu đãi gồm: cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác theo Điều lệ công ty. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự Đại hội cổ đông…

Như vậy, tùy thuộc vào cổ phần mà cổ đông đang sở hữu thì cổ đông có quyền tham dự Đại hội cổ đông và quyền biểu quyết khác nhau.

3. Sở hữu cổ phần nhưng không được mời tham dự Đại hội cổ đông phải làm gì?

Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Như đã khẳng định ở trên chỉ cần sở hữu 01 cổ phần có quyền biểu quyết là cổ đông có quyền tham dự Đại hội cổ đông.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay không ít công ty ấn định tỷ lệ cổ phần sở hữu để được tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông. Điều này là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.

Khi bị vi phạm, cổ đông có thể tập hợp để khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, yêu cầu Toà án xem xét miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát trong trường hợp cần thiết (Điều 161 Luật Doanh nghiệp) hoặc;

Cổ đông cũng có thể khởi kiện yêu cầu tòa án, trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết, hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông do trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định không đúng theo quy định (khoản 1 Điều 151 Luật Doanh  nghiệp 2020).

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.