Có được phép thanh toán hợp đồng bằng ngoại tệ?

Hùng Phúc VP Luật sư 76 lượt xem Dân sự, Tài liệu tham khảo, Theo dòng thời sự pháp lý

Hiện nay, khi nền kinh tế mở cửa, các giao dịch giữa doanh nghiệp Việt Nam với người nước ngoài trở nên phổ biến. Có nhiều người thắc mắc, có thể thanh toán những hợp đồng này bằng ngoại tệ hay không?

1. Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối

Theo quy định tại Khoản 13 Điều 1, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối 2005 thì “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

2. Các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được quy định trong  Thông tư 32/2013/TT-NHNN và Khoản 2 Điều 1 Thông tư 16/2015/TT-NHNN. Theo đó, các chủ thể được phép sử dụng ngoại hối trong hợp đồng theo quy định như sau:

– Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng được phép) được giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại hối trong phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật.

– Người cư trú thực hiện hợp đồng ủy thác nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định sau:

+ Người cư trú nhận ủy thác nhập khẩu được ghi giá trong hợp đồng ủy thác nhập khẩu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản đối với giá trị hợp đồng nhập khẩu từ bên ủy thác nhập khẩu;

+ Người cư trú nhận ủy thác xuất khẩu được ghi giá trong hợp đồng ủy thác xuất khẩu bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản đối với giá trị hợp đồng xuất khẩu cho bên ủy thác xuất khẩu.

– Người cư trú là doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định sau:

+ Được báo giá, định giá, ghi giá dịch vụ bảo hiểm trong hợp đồng bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ bên mua bảo hiểm đối với hàng hóa, dịch vụ phải mua tái bảo hiểm ở nước ngoài;

+ Trường hợp phát sinh tổn thất đối với phần tái bảo hiểm ra nước ngoài, người cư trú là tổ chức mua bảo hiểm được nhận số tiền bồi thường bằng ngoại tệ chuyển khoản từ công ty tái bảo hiểm nước ngoài thông qua doanh nghiệp bảo hiểm để thanh toán các chi phí khắc phục tổn thất ở nước ngoài.

– Người cư trú là doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo quy định sau:

+ Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi mua hàng hóa từ thị trường nội địa để sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu hoặc để xuất khẩu, trừ hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu. Doanh nghiệp trong nước được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi bán hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất;

+ Được báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán, nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản với doanh nghiệp chế xuất khác.

– Người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó.

– Người không cư trú thực hiện theo quy định sau:

+ Được chuyển khoản bằng ngoại tệ cho người không cư trú khác;

+ Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán tiền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ chuyển khoản cho người cư trú. Người cư trú được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người không cư trú.

Và các trường hợp khác quy định trong Thông tư 32/2013/TT-NHNN thì không được ký kết giao dịch bằng ngoại tệ.

Để hiểu khái niệm người cư trú Quý khách hàng có thể xem tại Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối 2005 và khái niệm người không cư trú tại Khoản 3 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối 2005.

3. Hợp đồng các bên có thoả thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ

Để hướng dẫn vấn đề này, tại Khoản 3 Điều I Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27-5-2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng đưa ra 2 hướng:

– Nếu hợp đồng kinh tế có thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ mà một hoặc các bên ký kết không được phép thanh toán bằng ngoại tệ thì hợp đồng vô hiệu toàn bộ.

– Nếu hợp đồng thỏa thuận giá cả bằng ngoại tệ nhưng thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ nhưng sau đó thỏa thuận thanh toán bằng đồng Việt Nam thì hợp đồng không bị coi là vô hiệu toàn bộ.

Như vậy, theo Hội đồng Thẩm phán TANDTC chỉ xem xét về vấn đề thanh toán. Doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện thoả thuận thanh toán hợp đồng bằng ngoại tệ nhưng thực hiện thanh toán bằng Việt Nam đồng thì vẫn được coi là hợp đồng hợp pháp.

Vấn đề này, ý kiên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có khác với quy định trong luật  “mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận” không được sử dụng bằng ngoại tệ trừ các trường hợp quy định tại Thông tư 32/2013/TT-NHNN .

Vậy khi ký kết hợp đồng, các doanh nghiệp nên ký kết giao dịch bằng Việt Nam đồng hoặc có thể cân nhắc định giá bằng đồng ngoại tệ nhưng thực hiện thanh toán bằng Việt Nam đồng.

Cơ sở pháp lý:

– Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối 2005.

– Thông tư 32/2013/TT-NHNN.

– Thông tư 16/2015/TT-NHNN.

– Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.