Cổ phần ưu đãi biểu quyết có được chuyển nhượng không?

Lượt xem: 525

Cổ phần ưu đãi biểu quyết có nhiều phiếu biểu quyết hơn các cổ phần phổ thông khác. Vậy cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có được phép chuyển nhượng hay không? Cùng Luật Hùng Phúc tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Cổ phần ưu đãi biểu quyết là gì?

Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần phổ thông có nhiều hơn phiếu biểu quyết so với cổ phần phổ thông khác (theo khoản 1 Điều 116 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14). Số phiếu biểu quyết của 01 cổ phần ưu đãi biểu quyết được quy định trong Điều lệ công ty.

Theo đó, không phải tổ chức, cá nhân nào cũng được sở hữu cổ phần biểu quyết mà chỉ có hai chủ thể sau đây được sở hữu, cụ thể là:

Tổ chức được Chính phủ ủy quyền (là các cơ quan đại diện chủ sở hữu, thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết).

Cổ đông sáng lập (là cổ đông sở hữu ít nhất 01 cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần).

Trong đó, ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Còn quyền biểu quyết và thời hạn ưu đãi biểu quyết với cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ theo quy định tại Điều lệ công ty.

Sau thời hạn ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi biểu quyết chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

2. Quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết

Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có quyền sau đây theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 116, khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

– Tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông; thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp/thông qua người đại diện theo ủy quyền/hình thức khác do Điều lệ công ty, pháp luật quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có 01 phiếu biểu quyết;

– Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;

– Ưu tiên mua cổ phần mới tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông;

– Không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế. Sau khi hết thời hạn ưu đãi biểu quyết và chuyển thành cổ phần phổ thông thì sẽ được chuyển nhượng.

– Xem xét, tra cứu, trích lục thông tin tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình;

– Xem xét, tra cứu, trích lục/sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông;

– Khi công ty giải thể/phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.

3. Cổ phần ưu đã biểu quyết có được chuyển nhượng hay không?

Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật/thừa kế (theo khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2020).

Ngoài ra, khi cổ phần ưu đãi biểu quyết hết thời hạn ưu đãi biểu quyết và chuyển thành cổ phần phổ thông thì cổ đông sẽ được tự do chuyển nhượng cổ phần cho người khác.

4. Cổ phần phổ thông có được chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi biểu quyết không?

Cổ phần ưu đãi biểu quyết có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông nhưng cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi (theo khoản 5 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020).

Cụ thể, căn cứ khoản 5 Điều 114, khoản 1 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ phần ưu đãi biểu quyết có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông còn không thể xảy ra trường hợp ngược lại.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Bình luận

Bài viết mới nhất

Có thể bạn quan tâm