Nuôi con nuôi là một hiện tượng xã hội đã tồn tại trong lịch sử xã hội từ lâu đời nay. Trên thực tế còn tồn tại nhiều trường hợp mà bố mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như bố mẹ và con nhưng lại không thực hiện thủ tục đăng ký nuôi con nuôi theo đúng quy định pháp luật dẫn đến các tranh chấp về di sản thừa kế giữa con đẻ và con nuôi hoặc nhưng người thân thích khác của người để lại di sản. Vậy pháp luật có thừa nhận các trường hợp nuôi con nuôi thực tế như trên và con nuôi thực tế có được hưởng di sản thừa kế của bố mẹ nuôi hay không? Trong phạm vi bài viết này, Luật sư xin đưa ra một số quan điểm pháp lý về vấn đề này như sau:
- Quy định của pháp luật về việc nuôi con nuôi
Từ Luật Hôn nhân và gia đình (sau đây gọi tắt là “Luật HN&GĐ”) năm 1959, pháp luật Việt Nam đã quy định điều khoản điều chỉnh về vấn đề nuôi con nuôi nhưng vẫn còn rất sơ sài. Theo quy định tại Điều 24 Luật HN&GĐ năm 1959, thì “việc nhận nuôi con nuôi phải được Ủy ban hành chính cơ sở nơi trú quán của người nuôi hoặc của đứa trẻ công nhận và ghi vào sổ hộ tịch”. Ngoài ra không có bất kỳ hướng dẫn hay quy định nào khác quy định về vấn đề này.
Đến Luật HN&GĐ năm 1986, việc nuôi con nuôi đã được quy định rõ ràng về tuổi của người được nhận làm con nuôi và ý chí của các bên như:
“Điều 35: Người từ 15 tuổi trở xuống mới được nhận làm con nuôi. Trong trường hợp con nuôi là thương binh, người tàn tật hoặc làm con nuôi người già yếu cô đơn thì con nuôi có thể trên 15 tuổi. Người nuôi phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên.
Điều 36: Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự thoả thuận của hai vợ chồng người nuôi, của cha mẹ đẻ hoặc người đỡ đầu của người con nuôi chưa thành niên. Nếu nhận nuôi người từ 9 tuổi trở lên thì còn phải được sự đồng ý của người đó.
Điều 37: Việc nhận nuôi con nuôi do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người nuôi hoặc con nuôi công nhận và ghi vào sổ hộ tịch.”
Theo Điều 72 Luật HN&GĐ năm 2000 thì, “việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch”.
Hiện nay, chế định nuôi con nuôi đã được quy định cụ thể và rất rõ ràng tại Luật nuôi con nuôi năm 2010, có hiệu lực từ ngày 17/6/2010 và Luật hộ tịch năm 2014 thì việc nuôi con nuôi phải được đăng ký và phải tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền với trình tự thủ tục, điều kiện theo quy định pháp luật.
- Quy định của pháp luật về việc công nhận con nuôi thực tế và thực tiễn
Qua các quy định về việc nhận nuôi con nuôi ở mục I, có thể thấy kể từ khi được quy định tại Luật HN&GĐ năm 1959 đến nay, nhìn chung các điều khoản quy định pháp luật qua các thời kỳ đều quy định việc nuôi con nuôi phải được đăng ký tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều các trường hợp việc nuôi con nuôi được diễn ra trên thực tế, nghĩa là bố mẹ nuôi và con nuôi có mối quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc nhưng không tiến hành đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng ban hành các hướng dẫn về việc công nhân nuôi con nuôi thực tế:
Thông tư số 81/TANDTC ngày 24/07/1981 của Tòa án nhân dân tối cao quy định “Con nuôi được thừa kế phải là con nuôi hợp pháp, tức là việc nuôi con nuôi phải được Ủy ban nhân dân cơ sở nơi trú quán của người nuôi hoặc của đứa trẻ công nhận và ghi vào sổ hộ tịch (Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình). Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp nhân dân chưa hiểu pháp luật cho nên chưa xin chính quyền công nhận và đăng ký vào sổ hộ tích việc nuôi con nuôi. Trong trường hợp này, nếu việc nhận con nuôi là ngay thẳng, cha mẹ đẻ của đứa trẻ hoàn toàn tự nguyện, việc nuôi dưỡng đứa trẻ được bảo đảm, thì coi là con nuôi thực tế. Con nuôi và bố mẹ nuôi có quyền thừa kế lẫn nhau. Con nuôi (hợp pháp hay thực tế) không được thừa kế theo luật đối với di sản của bố mẹ đẻ và anh, chị, em ruột.”
Sau đó, Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng quy định “Những điều kiện về nuôi con nuôi đã được quy định trong các Điều 34, 35, 36 và 37 nhưng trước khi Luật này, được ban hành thì những điều kiện đó chưa được quy định đầy đủ. Vì vậy, những việc nuôi con nuôi trước khi ban hành Luật mới vẫn có giá trị pháp lý, trừ những trường hợp nuôi con nuôi trái với mục đích xã hội của việc nuôi con nuôi (như: nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động hoặc để dùng con nuôi vào những hoạt động xấu xa, phạm pháp). Nếu việc nuôi con nuôi trước đây chưa được ghi vào sổ hộ tịch nhưng việc nuôi con nuôi đã được mọi người công nhận và cha mẹ nuôi đã thực hiện nghĩa vụ với con nuôi thì việc nuôi con nuôi vẫn có những hậu quả pháp lý do luật định.”
Ngoài ra, đối với các dân tộc thiểu số, Nghị định số 32/2002/NĐ-CP quy định “Những trường hợp nhận nuôi con nuôi được xác lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2001, ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực pháp luật, mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng có đủ điều kiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và trên thực tế, quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi đã được xác lập, các bên đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình, thì được pháp luật công nhận và được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký nuôi con nuôi. Nếu có tranh chấp liên quan đến việc xác định quan hệ giữa cha, mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi thì do Toà án giải quyết.”
Để giải quyết các tồn tại về việc nuôi con nuôi thực tế, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã đưa ra các điều khoản chuyển tiếp về việc công nhận con nuôi thực tế, cụ thể tại Điều 50 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định:
“Điều 50. Điều khoản chuyển tiếp
- Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;
- b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;
- c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.
- Sau khi được đăng ký, quan hệ nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 điều này có giá trị pháp lý kể từ thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi.”
Như vậy, căn cứ vào các quy định pháp luật trên, có thể thấy việc nuôi con nuôi thực tế được công nhận như sau:
- Đối với các quan hệ giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi trước khi Luật HN&GĐ năm 1987 có hiệu lực thi hành (ngày 03/01/1987) thì sẽ được công nhận dù có hay không có việc đăng ký tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Đối với các quan hệ giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi trước ngày 01/01/2001 (ngày LHN&GĐ năm 2000 có hiệu lực thi hành), thì việc nuôi con nuôi thực tế chỉ được công nhận nếu việc nuôi con nuôi đó được xác lập giữa “công dân thuộc các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa” trước ngày 1/1/2001 nhưng chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002).
- Đối với các trường hợp nuôi con nuôi phát sinh sau ngày 01/01/2001 giữa công dân các dân tộc thiểu số phải thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi theo Điều 16 của Nghị định số 32/2002/NĐ-CP.
Việc xác định con nuôi thực tế được xác định dựa trên các cơ sở sau:
- Thứ nhất, ý kiến của những người dân sống lâu năm tại địa phương về thực chất mối quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; ý chí của người nhận nuôi trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc; trách nhiệm của con nuôi đối với cha, mẹ nuôi (khi cha mẹ nuôi còn sống). Đồng thời làm rõ trách nhiệm chăm sóc của con nuôi đối với cha, mẹ nuôi khi cha, mẹ nuôi đau ốm (nếu có); việc lo ma chay, tang lễ khi cha mẹ nuôi chết.
- Thứ hai, xác định con nuôi thực tế dự trên chính sự thừa nhận của các hàng thừa kế;
- Thứ ba, xác định là con nuôi thực tế dựa trên các giấy tờ nhân thân như: Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương…
- Phân chia di sản thừa kế liên quan đến con nuôi thực tế
Theo quy định tại Điều 651, 653 Bộ luật dân sự năm 2015, những người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật được quy định như sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; …
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Điều 653. Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ
Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.”
Như vậy, cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi là hàng thừa kế thứ nhất được hưởng thừa kế của nhau như cha đẻ, mẹ đẻ và con ruột. Do vậy, trong trường hợp chứng minh được con nuôi thực tế và không thuộc các trường hợp bị truất quyền thừa kế, từ chối nhận di sản thừa kế và người thừa kế không được quyền hưởng di sản thì con nuôi hoàn toàn được quyền hưởng di sản thừa kế của bố mẹ nuôi như con đẻ.
Trên đây là toàn bộ quan điểm của Luật sư về vấn đề con nuôi thực tế và phân chia di sản theo pháp luật đối với trường hợp con nuôi thực tế. Hiện nay, các tranh chấp về phân chia di sản trong trường hợp này đang diễn ra rất phổ biến và phức tạp trong quá trình giải quyết. Qua bài viết này, Luật sư hy vọng bạn đọc sẽ có thêm dữ liệu nghiên cứu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho con nuôi, bố mẹ nuôi trong các vụ án thực tế.
luathungphuc.vn
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc
Ví dụ : như bố mẹ nuôi đã mất chỉ còn lại con nuôi mà bố mẹ nuôi không có con đẻ thì anh em trong dòng họ có quyền tranh chấp tài sản thừa kế với con nuôi không
Chào bạn. Trường hợp của bạn vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được Luật sư tư vấn cụ thể nhất ạ.