Hợp đồng tiền hôn nhân thường bao gồm những nội dung nào?

Lượt xem: 536

Hợp đồng tiền hôn nhân không còn quá xa lạ trong cuộc sống hiện đại như ngày nay. Hợp đồng tiền hôn nhân không chỉ giải quyết được vấn đề tài sản của vợ chồng trong thời kì hôn nhân mà còn là căn cứ để hạn chế rủi ro cho cả hai bên nếu xảy ra ly hôn.  

1. Hợp đồng tiền hôn nhân là gì?

Pháp luật không quy định rõ về khái niệm hợp đồng tiền hôn nhân, tuy nhiên có thể hiểu hợp đồng tiền hôn nhân có thể được hiểu là một thỏa thuận bằng văn bản mà một cặp vợ chồng dự định kết hôn ký kết trước ngày hôn nhân diễn ra.

Thực chất, hợp đồng tiền hôn nhân là một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý, do vợ chồng tạo ra nhằm xác định cách giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn về trách nhiệm và tài sản trong quá trình hôn nhân, đặc biệt là trong tình huống ly hôn hoặc một trong hai bên qua đời.

Dù có nhiều cách gọi khác như “hôn ước” hay “thỏa thuận trước hôn nhân”, ý nghĩa cơ bản về việc thỏa thuận về quan hệ hôn nhân vẫn được áp dụng, bao gồm cả kết hôn, ly hôn, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, cũng như quyền cấp dưỡng.

Dù có sự khác biệt trong các đặc điểm chi tiết, nghiên cứu về hợp đồng tiền hôn nhân cho thấy nó vẫn giữ một số đặc điểm chung. Hợp đồng này phải được viết thành văn bản và chứng thực hoặc công chứng theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu của vợ chồng.

Trọng tâm của hợp đồng tiền hôn nhân là thỏa thuận về tài sản, không liên quan đến quyền nhân thân của vợ chồng.

Hợp đồng tiền hôn nhân thường bao gồm những nội dung nào?
Hợp đồng tiền hôn nhân thường bao gồm những nội dung nào? – Ảnh minh hoạ

2. Hợp đồng hôn nhân thường có nội dung gì?

Theo cơ bản, pháp luật cho phép các bên tự thỏa thuận về nội dung của hợp đồng nói chung và hợp đồng tiền hôn nhân nói riêng theo nguyên tắc của pháp luật. Mặc dù điều này mang tính linh hoạt và phụ thuộc vào sự đồng thuận của hai bên, tuy nhiên đối với một số loại hợp đồng cụ thể, pháp luật đề ra những nội dung bắt buộc cần phải có.

Khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình đã xác định rằng chế độ tài sản của vợ chồng có hai dạng: theo luật định hoặc theo thỏa thuận (hoặc còn gọi là chế độ tài sản ước định).

Điều 47 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng như sau:

“Điều 47. Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng

Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”

Điều này có thể coi là cơ sở để xây dựng hợp đồng tiền hôn nhân, tạo ra cơ hội pháp lý đầu tiên cho các vợ chồng ký kết hợp đồng tiền hôn nhân tại Việt Nam. Xét về bản chất, khi nam nữ thỏa thuận với nhau về các vấn đề tài sản trước hôn nhân và thỏa thuận được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, điều này có thể coi là một hợp đồng.

Cũng theo quy định tại Điều 48 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, để thiết lập một chế độ tài sản dựa trên thỏa thuận, nội dung cơ bản của thỏa thuận về tài sản bao gồm:

“Điều 48. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:

a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

d) Nội dung khác có liên quan.

Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.”

Với việc khoản 1 của Điều 28 và Điều 47 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã cho phép vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Trong trường hợp vợ chồng lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận, thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, thông qua hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Đây là những quy định pháp luật đầu tiên thể hiện giá trị pháp lý của hợp đồng tiền hôn nhân về tài sản và cũng là bước đầu tiên để hợp đồng này hình thành và phát triển.

Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ cho phép vợ chồng tự thỏa thuận về các vấn đề tài sản trong hợp đồng tiền hôn nhân mà không quy định về việc thỏa thuận về các vấn đề khác như con cái chung, con cái riêng (nếu có), quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong giai đoạn hôn nhân, sau khi ly hôn hoặc khi một trong hai bên qua đời.

3. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng tiền hôn nhân

Để hợp đồng tiền hôn nhân có hiệu lực, cần tuân theo các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:

Chủ thể giao kết hợp đồng: Chủ thể cần năng lực pháp luật và hành vi dân sự phù hợp. Họ chỉ là cá nhân, không phải là pháp nhân. Tư cách chủ thể dựa vào năng lực hành vi dân sự theo Điều 21, 22, 23, 24 Bộ luật Dân sự 2015.

  • Tự nguyện giao kết: Giao dịch hoàn toàn dựa trên ý muốn tự nguyện của các bên tham gia. Để xác định sự tự nguyện, cần xem xét nhiều yếu tố, đặc biệt trong trường hợp có tranh chấp. Các yếu tố xác định sự không tự nguyện bao gồm: giả tạo, nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (Điều 124, 126, 127 Bộ luật Dân sự 2015).
  • Mục đích và nội dung không vi phạm luật và đạo đức: Nội dung hợp đồng không được vi phạm quy định luật và đạo đức. Xác định xem có vi phạm hay không dựa trên nhiều luật khác nhau, dựa trên nguyên tắc “Các bên có quyền thỏa thuận những gì mà pháp luật không cấm”.
  • Phù hợp với nguyên tắc dân sự: Nội dung hợp đồng tiền hôn nhân phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015, và các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự tại Điều 117, 118, 119 Bộ luật Dân sự 2015. Không vi phạm quy định tại Điều 29, 30, 31, 32 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và pháp luật có liên quan. Ngoài ra, hợp đồng phải được thiết lập trước kết hôn, dưới hình thức văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định hoặc theo yêu cầu của vợ chồng (Điều 47 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).

Hợp đồng tiền hôn nhân bị vô hiệu và việc xử lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên vô hiệu trong trường hợp không đáp ứng các điều kiện luật định.

Từ đó, dẫn đến hậu quả pháp lý và việc xử lý hợp đồng tiền hôn nhân vô hiệu tuân theo nguyên tắc áp dụng cho giao dịch dân sự vô hiệu là hợp đồng không tạo ra phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ từ thời điểm giao kết. Hợp đồng không có giá trị pháp lý từ thời điểm giao kết, bất kể đã thực hiện trên thực tế hay chưa.

Với sự phát triển không ngừng của xã hội, hợp đồng tiền hôn nhân đang ngày càng trở nên phổ biến và cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay các quy định pháp luật liên quan vẫn còn thiếu sót và không đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tế.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Bình luận

Bài viết mới nhất

Có thể bạn quan tâm