Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ bắt buộc phải lập báo cáo bảo vệ môi trường hàng năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết cách thức lập báo cáo này. Cùng Luật Hùng Phúc theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết.
1. Cách thức lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường
Căn cứ khoản 1 và khoản 3 Điều 66 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, việc lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường được thực hiện như sau:
1.1. Hình thức thể hiện báo cáo
Doanh nghiệp có thể lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường dưới một trong 02 hình thức sau:
- Hình thức 1: Báo cáo bằng văn bản giấy:
Doanh nghiệp chuẩn bị cáo bằng bản giấy phải có chữ ký của người có thẩm quyền, đóng dấu của đơn vị và bản điện tử (file.doc). Các biểu mẫu tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo phải được đóng dấu giáp lai.
- Hình thức 2: Báo cáo bằng văn bản điện tử:
Thực hiện theo thể thức định dạng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc được số hóa từ văn bản giấy, có chữ ký điện tử của người có thẩm quyền và đóng dấu điện tử của đơn vị.
1.2. Nội dung báo cáo
Trường hợp 1: Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo Mẫu số 05.A Phụ lục VI Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.
Cụ thể, căn cứ Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các đối tượng phải lập mẫu này bao gồm:
– Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
– Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày 01/01/2022 có tiêu chí về môi trường như đối tượng nêu trên.
Trường hợp 2: Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo Mẫu số 05.B Phụ lục VI Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.
Cụ thể, căn cứ Khoản 1 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các đối tượng phải lập mẫu này bao gồm:
– Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường;
– Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.
Trường hợp 3: Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo Mẫu số 06 Phụ lục VI Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.
Dù thực hiện theo mẫu nào thì nội dung của báo cáo công tác bảo vệ môi trường vẫn phải đảm bảo những nội dung chính sau đây:
– Kết quả hoạt động của các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đối với chất thải;
– Kết quả khắc phục các yêu cầu về bảo vệ môi trường của cơ quan thanh tra, kiểm tra và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);
– Kết quả quan trắc và giám sát môi trường định kỳ, quan trắc tự động, liên tục;
– Công tác quản lý chất thải rắn, quản lý chất thải nguy hại;
– Công tác quản lý phế liệu nhập khẩu (nếu có);
– Hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (nếu có);
– Các kết quả, hoạt động, biện pháp bảo vệ môi trường khác.
Số liệu báo cáo công tác bảo vệ môi trường được thống kê từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 của năm báo cáo.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc