Giấy phép phòng cháy chữa cháy là loại giấy phép phổ biến nhưng thủ tục xin cấp lại rất phức tạp. Tổ chức, cá nhân có thể tự mình thực hiện nếu nắm rõ thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy.
1. Đối tượng phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy
Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 79/2014/NĐ-CP, đối tượng thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy bao gồm:
– Các dự án, công trình quy định tại Phụ lục IV Nghị định 79 khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng như:
- Dự án quy hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; dự án xây dựng mới hoặc cải tạo công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp huyện trở lên.
- Học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường dạy nghề, trường phổ thông và các loại trường khác có khối lớp học có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên.
- Nhà chung cư cao 05 tầng trở lên; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên…
– Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy gồm tàu thủy, tàu hỏa chuyên dùng để vận chuyển hành khách, vận chuyển xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ khi chế tạo mới hoặc hoán cải.
2. Hồ sơ xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy
Căn cứ khoản 3 Điều 15 Nghị định 79, hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy gồm 02 bộ, có xác nhận của chủ đầu tư, chủ phương tiện, nếu hồ sơ bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch phần thuyết minh ra tiếng Việt kèm theo, cụ thể:
DỰ ÁN, CÔNG TRÌNH | THÀNH PHẦN HỒ SƠ |
Đối với dự án thiết kế quy hoạch(dự án xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao) | – Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp phòng cháy và chữa cháy của cơ quan phê duyệt dự án hoặc của chủ đầu tư (nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo);– Dự toán tổng mức đầu tư của dự án thiết kế quy hoạch;
– Các tài liệu và bản vẽ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp phòng cháy và chữa cháy quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 12 Nghị định 79/2014/NĐ-CP. |
Đối với thiết kế cơ sở(dự án và thiết kế xây dựng công trình) | – Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo); – Bản sao văn bản cho phép đầu tư của cấp có thẩm quyền; – Dự toán tổng mức đầu tư dự án, công trình; – Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế cơ sở thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp phòng cháy và chữa cháy quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 13 Nghị định79/2014/NĐ-CP |
Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công | – Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo); – Bản sao văn bản chấp thuận quy hoạch của cấp có thẩm quyền; – Dự toán tổng mức đầu tư dự án, công trình; – Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 13 Nghị định 79/2014/NĐ-CP. |
Đối với chấp thuận địa điểm xây dựng công trình | – Văn bản đề nghị chấp thuận địa điểm xây dựng về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền, kèm theo); – Bản sao văn bản nêu rõ tính hợp pháp của khu đất dự kiến xây dựng công trình; – Bản vẽ, tài liệu thể hiện rõ hiện trạng địa hình của khu đất có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy như bậc chịu lửa của công trình, khoảng cách từ công trình dự kiến xây dựng đến các công trình xung quanh, hướng gió, cao độ công trình. |
3. Trình tự, thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy
Bước 1: Nộp hồ sơ
Theo khoản 5 Điều 7 Thông tư 66/2014/TT-BCA, nơi nộp hồ sơ được quy định như sau:
Trường hợp 1: Nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tại Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Bộ Công an đối với những dự án, công trình sau:
– Dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án đầu tư xây dựng công trình nhóm A theo Luật Đầu tư công 2019 (trừ dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng ngân sách nhà nước do cấp tỉnh là chủ đầu tư);
– Dự án đầu tư xây dựng công trình do Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh hoặc chủ đầu tư đề nghị;
Trường hợp 2: Nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tại Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh đối với những dự án, công trình sau:
– Dự án đầu tư xây dựng công trình không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý.
– Những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Bước 3: Trả kết quả
4. Thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy
Khoản 5 Điều 15 Nghị định 79 năm 2014 quy định thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy như sau:
– Dự án thiết kế quy hoạch: Không quá 10 ngày làm việc.
– Chấp thuận địa điểm xây dựng công trình: Không quá 05 ngày làm việc.
– Thiết kế cơ sở: Không quá 10 ngày làm việc đối với dự án nhóm A; không quá 05 ngày làm việc đối với dự án nhóm B và C.
– Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công: Không quá 15 ngày làm việc đối với dự án, công trình nhóm A; không quá 10 ngày làm việc đối với dự án, công trình nhóm B và C.
5. Lệ phí cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy
Theo Điều 5 Thông tư 258/2016/TT-BTC, mức thu phí thẩm định phê duyệt phải nộp đối với một dự án có mức tối thiểu là 500.000 đồng/dự án và tối đa là 150 triệu đồng/dự án.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc