Người bị Cơ quan Công an triệu tập, mời lên làm việc không phải trong mọi trường hợp đều là những người thực hiện hành vi phạm tội. Có trường hợp họ chỉ là những người liên quan tới vụ việc, vụ án như người chứng kiến, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ việc, vụ án…Tuy nhiên, khi tất cả trong số họ bị Công an triệu tập, mời đến làm việc thì tinh thần họ thường lo lắng, hoảng sợ. Trong trường hợp này sẽ có rất nhiều người không biết phải làm như thế nào để bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Sau đây, Văn phòng Luật sư Hùng Phúc gửi đến Quý vị bài viết “Khi bị Công an triệu tập, mời lên làm việc cần phải làm gì?” để Quý vị nắm được, cũng như chuẩn bị cho mình trước khi gặp tình huống trên.
1. Hình thức triệu tập, mời lên làm việc.
Cơ quan Công an triệu tập, mời đến làm việc bằng hình thức gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập:
Giấy mời: hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được giấy mời của Cơ quan Công an bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu. Do đó, đối với loại giấy này người được mời có quyền đến hoặc không đến làm việc.
Giấy triệu tập: là loại giấy dành cho những người liên quan đến những vụ việc đã và đang được giải quyết tại cơ quan tố tụng, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là nghĩa vụ bắt buộc đối với người bị triệu tập.
Trên thực tế, tùy vào từng Cơ quan công an họ sẽ sử dụng hình thức gọi điện thoại mời công dân lên làm việc. Hình thức này, cũng giống như giấy mời làm việc nên công dân có thể đến hoặc không đến làm việc.
2. Nội dung trong giấy mời, giấy triệu tập.
Khi nhận được giấy mời, giấy triệu tập, người có yêu cầu nên đọc kỹ những nội dung ghi trong đó:
Đối với giấy mời: Khi nhận được giấy mời, người được mời lên làm việc không bắt buộc phải đến. Tuy nhiên, khi nhận được giấy mời, người được mời đến làm việc nên đọc kỹ nội dung trong giấy mời để biết rõ mình đang liên quan như thế nào đến vụ việc, vụ án. Trường hợp không đến được công dân nên thông báo cho Cơ quan Công an biết để họ chủ động công việc.
Đối với giấy triệu tập: Người được triệu tập phải đọc kỹ nội dung xem giấy triệu tập đã cung cấp đầy đủ các thông tin như: thời gian, địa điểm, triệu tập về việc gì hay liên quan tới vụ án gì, nếu không đầy đủ thì có quyền yêu cầu Cơ quan triệu tập bổ sung thông tin hoặc giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Trong trường hợp không đến được phải thông báo rõ lý do để Cơ quan công an biết.
3. Các công việc cần thực hiện.
3.1. Chuẩn bị tâm lý khi tham gia buổi làm việc.
Khi được mời, triệu tập lên làm việc phải giữ được tinh thần bình tĩnh, khai đúng, đầy đủ nội dung sự việc mà bản thân biết để phục vụ quá trình điều tra.
3.2. Đề nghị được ghi âm, ghi hình trong quá trình làm việc với Cơ quan công an.
Trong quá trình lấy lời khai của bị can, người làm chứng, người có quyền lợi liên quan, theo quy định của pháp luật được phép ghi âm, ghi hình. Do đó, người bị triệu tập có quyền đề nghị được ghi âm, ghi hình trong quá trình làm việc với Cơ quan công an tạo ra tâm lý an tâm, an toàn cho công dân để có buổi làm việc hiệu quả.
3.3. Mời Luật sư
Luật sư tham gia ngay từ giai đoạn đầu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân khi được mời, triệu tập lên làm việc. Khi có Luật sư đi cùng, bạn sẽ an tâm hơn, tránh được các trường hợp bị dọa nạt, bức cung hay gặp phải tình huống xấu sẽ được tư vấn và xử lý kịp thời từ phía Luật sư của mình.
3.4. Lưu ý
– Không ký vào Biên bản lời khai, lời trình bày không đúng sự thật;
– Trong quá trình làm việc nhận thấy có dấu hiệu bất lợi cho mình, đề nghị dừng buổi làm việc mời Luật sư cùng tham gia.
Trên đây là ý kiến tư vấn pháp luật của chúng tôi. Nếu còn bất cứ vướng mắc nào, vui lòng liên hệ qua địa chỉ Văn Phòng Luật sư Hùng Phúc để được Luật sư tư vấn và giải đáp một cách tốt nhất.
Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của Quý vị!
Trân trọng!
Luathungphuc
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc