Để vay số tiền 700 triệu đồng, bà A (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã dùng thửa đất diện tích 105,2m2 của vợ chồng bà A để làm tài sản thế chấp dưới hình thức ký “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” cho chủ nợ. Sau khi sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ nợ đã đưa tài sản vào ngân hàng thế chấp để vay số tiền lên đến 02 tỷ đồng.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp khách hàng tìm đến Luật Hùng Phúc xin tư vấn và hỗ trợ giải quyết. Vậy bản chất của sự việc là gì và khách hàng trong trường hợp này phải làm thế nào? Luật Hùng Phúc sẽ thông tin chi tiết tại bài viết này.
1. Nhận diện thủ đoạn
Thời gian qua, Luật Hùng Phúc tiếp nhận nhiều vụ việc của khách hàng do nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết pháp luật đã bị các đối tượng giăng bẫy lừa đảo với những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản, thường gặp nhất là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là lừa đảo bằng các hình thức hợp đồng giả tạo.
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo đưa ra những lợi ích hấp dẫn để đánh vào tâm lý của người vay như: lãi suất cho vay thấp (ngang bằng hoặc thấp hơn ngân hàng), thủ tục nhanh gọn, giải ngân nhanh và chấp nhận cả trường hợp nợ xấu… Khi tham gia vào giao dịch, các đối tượng yêu cầu bên vay phải ký vào một bản “Vi bằng” có nội dung xác nhận khoản vay và ghi nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo cho khoản vay… Tuy nhiên, ngay sau đó các đối tượng cho vay “biến giả thành thật”, thực hiện thủ tục “sang tên” và đưa tài sản vào thế chấp ngân hàng để vay khoản tiền lớn hơn rất nhiều số tiền đã cho vay. Điển hình như vụ việc của bà A nêu trên.
Cũng với chiêu bài tương tự, một trường hợp khác tìm đến Luật Hùng Phúc với tâm trạng hoang mang vì dính bẫy lừa đảo. Theo đó, năm 2020 anh K có sổ đỏ nhưng không vay được ngân hàng do bị nợ xấu. Thông qua một người môi giới, anh K được giới thiệu vay của đối tượng T số tiền là 150 triệu đồng để mua một chiếc ô tô tải làm phương tiện kinh doanh.
Thời điểm này, đối tượng T đã yêu cầu anh K phải thế chấp “sổ đỏ” của gia đình, đồng thời yêu cầu phải ký vào một bản hợp đồng ủy quyền để đảm bảo cho khoản vay. Một năm sau, anh K và gia đình liên hệ với đối tượng T để thanh toán khoản nợ và yêu cầu trả “sổ đỏ”. Tuy nhiên, lúc này, gia đình không thể liên hệ được với đối tượng T.
Đến cuối năm 2022, gia đình anh K bỗng nhận được thông báo của Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án do một ngân hàng khởi kiện, để yêu cầu thanh toán tổng công nợ hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, tổng cả gốc và lãi phát sinh của khoản nợ liên quan tới sổ đỏ gia đình anh K đang thế chấp là hơn 3 tỷ đồng. Khi đó, anh K mới biết Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình đang đứng trước nguy cơ bị “kê biên” để trả nợ cho ngân hàng.
2. Làm thế nào khi sổ đỏ thế chấp bị chuyển nhượng đứng tên người khác?
Theo đánh giá của Luật Hùng Phúc, các Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà bên cho vay và bên vay đã giao kết thực chất là hợp đồng giả tạo nhằm che giấu một quan hệ dân sự khác và các đối tượng cho vay thường thông qua hợp đồng đó để chiếm đoạt tài sản. Bên vay tiền mặc dù không có ý định chuyển nhượng tài sản mà chỉ dùng tài sản để đảm bảo khoản vay, nhưng vì nhiều lý do như không đọc kỹ hợp đồng, không am hiểu pháp luật nên không lường trước được hậu quả pháp lý dẫn đến bản thân đã ký vào hợp đồng chuyển nhượng tài sản, chuyển giao quyền sử dụng, định đoạt tài sản cho người khác. Hậu quả thường gặp phải là quyền sử dụng đất có thể đã bị thế chấp vào ngân hàng để đảm bảo cho một khoản vay lớn, hoặc thậm chí là sang tên cho người thứ ba.
Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi của mình, bên vay phải nhanh chóng thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết tại cơ quan điều tra/ Tòa án có thẩm quyền và thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất để giảm thiểu tối đa rủi ro có thể gặp phải. Tuy nhiên, các vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng giả tạo rất khó giải quyết cả trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn. Đặc biệt là trong hoạt động cho vay, bên vay tài sản thường không được phép giữ các loại giấy tờ giao dịch nên việc chứng minh một hợp đồng giả tạo hay không là rất phức tạp và khó khăn.
Do đó để tránh những hậu quả pháp lý không đáng có, người dân cần hết sức cảnh giác trong các giao dịch liên quan đến vay vốn và thế chấp sổ đỏ với những chiêu thức nêu trên. Đồng thời cần tìm hiểu và tìm đến sự tư vấn của Luật sư để có được những giải pháp an toàn, tối ưu nhất và được hỗ trợ pháp lý kịp thời khi gặp phải những tình huống rủi ro.
Nếu cần tư vấn và hỗ trợ liên quan đến các giao dịch vay tiền, thế chấp sổ đỏ tương tự như các trường hợp Luật Hùng Phúc đã viện dẫn trên, quý khách hãy liên hệ hotline 0979 80 1111 để được hướng dẫn chi tiết.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc