Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định của Tòa án. Thủ tục ly hôn thuận tình khi một bên vợ/chồng đang cư trú tại nước ngoài phức tạp hơn rất nhiều thủ tục ly hôn thuận tình khi cả hai bên vợ chồng đều cư trú tại Việt Nam.
Trong trường hợp vợ/chồng đang cư trú tại nước ngoài và không về được Việt Nam để giải quyết việc ly hôn thì dù hai bên thuận tình ly hôn nhưng cũng không thể thực hiện được thủ tục thuận tình ly hôn tại Tòa án bởi:
Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về Hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn như sau:
“ 1. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.
- Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
- Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.
- Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;
b) Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;
c) Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.
- Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định. ”
Như vậy, theo quy định trên thì tòa án phải tổ chức hòa giải đoàn tụ. Sau khi hòa giải đoàn tụ không thành thì mới xem xét công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định. Mà muốn hòa giải đoàn tụ thì phải có mặt cả hai bên đương sự. Ở đây, rõ ràng tòa sẽ không thể tiến hành tổ chức hòa giải đoàn tụ được vì một bên yêu cầu xin vắng mặt và chỉ có bên còn lại tham gia phiên hòa giải.
Do đó, nếu một bên vắng mặt thì sẽ chỉ giải quyết được đối với trường hợp đơn phương ly hôn, nếu thuận tình ly hôn thì phải có mặt hai bên.
Vậy, khi hai vợ chồng đều đồng thuận muốn ly hôn nhưng một bên cư trú ở nước ngoài không về được Việt Nam thì cần làm gì?
Trong trường hợp này, mặc dù hai vợ chồng cùng thuận tình ly hôn nhưng thủ tục sẽ theo hướng đơn phương ly hôn. Cụ thể như sau:
Bước 1: Người vợ/chồng đang cư trú tại Việt Nam sẽ làm Đơn khởi kiện về việc ly hôn (Theo mẫu) và gửi đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi vợ/chồng cư trú kèm theo các giấy tờ sau:
– Đăng ký kết hôn (bản chính hoặc bản sao);
– Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của người đứng đơn (bản sao);
– Giấy khai sinh của các con (bản sao);
– Hộ chiếu, tạm trú, thẻ xanh… của người chồng/ vợ đang cư trú bên nước ngoài (bản dịch, sao công chứng);
– Giấy tờ về tài sản (nếu có) và các tài liệu liên quan
Bước 2: Sau khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện thì người vợ/chồng đang cư trú tại nước ngoài sẽ làm đơn xin xét xử vắng mặt, bản tự khai, giấy ủy quyền cho Luật Hùng Phúc nhận các văn bản, tài liệu của Tòa án. Các văn bản này người vợ/chồng phải ra Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại mà người vợ/chồng đang cư trú để chứng thực chữ ký rồi sau đó gửi qua đường bưu điện các văn bản này đến Tòa án có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc tại Việt Nam.
Bước 3: Sau khi nhận được Đơn xin xét xử vắng mặt, Bản tự khai, Giấy ủy quyền (về việc nhận văn bản, tài liệu) đã được Đại sứ quán Việt Nam chứng thực chữ ký của bị đơn gửi từ nước ngoài về Tòa án sẽ xét xử theo thủ tục chung.
Nhìn chung, việc ly hôn có yếu tố nước ngoài tương đối phức tạp và mất nhiều thời gian. Đặc biệt, nếu không nắm rõ thủ tục thì vụ việc sẽ kéo dài và khó khăn. Vì vậy, khi ly hôn mà chồng/vợ của bạn đang cư trú ở nước ngoài thì các bạn nên lựa chọn đồng hành cùng Luật sư để được hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả, tránh tiền mất tật mang.
Trên đây là tư vấn của Luật Hùng Phúc về trường hợp hai vợ chồng thuận tình ly hôn nhưng một bên cư trú ở nước ngoài không về được Việt Nam. Mọi ý kiến thắc mắc hoặc cần tư vấn xin gửi về:
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc