Trong quá trình hoạt động, có một số trường hợp khiến doanh nghiệp phái áp dụng biện pháp cắt giảm lao động. Dưới đây, Luật Hùng Phúc xin gửi đến Quý thành viên những lưu ý đối với trường hợp cắt giảm nhân sự trong doanh nghiệp.
Các trường hợp người sử dụng lao động có thể dẫn đến cắt giảm nhân sự:
– Thay đổi cơ cẩu, công nghệ ảnh hướng đến việc làm của nhiều người lao động (từ hai người trở lên) với các hình thức sau:
+ Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động.
+ Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm.
+ Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh.
– Vì lý do kinh tế thuộc một trong các trường hợp:
+ Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế.
+ Thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.
Khi rơi vào một trong các trường hợp nêu trên, doanh nghiệp phải xây dựng và thực hiện phương án lao động. Nếu có chổ làm mới, người sử dụng lao động phải ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Nội dung phương án sử dụng lao động cần có:
– Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng.
– Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu.
– Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động.
– Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
Mời Quý thành viên tham khảo mẫu “Phương án sử dụng lao động”
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải chi trả trợ cấp mất việc cho người lao động làm việc liên tục từ 12 tháng trở lên. Mỗi năm làm việc được trả một tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương (nghĩa là người lao động làm việc được một năm cho doanh nghiệp thì vẫn nhận được 02 tháng tiền lương).
Thời gian làm việc tính trợ cấp mất việc = Tổng thời gian người lao động làm việc thực tế – (Thời gian người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp + thời gian người lao động được trả trợ cấp thôi việc (nếu có))
Trong đó:
– Thời gian người lao động làm việc thực tế: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.
– Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm: tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.
Thời hạn thanh tóan: Trong vòng 07 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động (có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày đối với các trường hợp đặc biệt, xem chi tiết tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP), người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ trợ cấp mất việc cho người lao động.
Lưu ý: Khi xây dựng phương án lao động, doanh nghiệp phải trao đổi với Công đoàn cơ sở. Sau đó phải thông báo bằng văn bản cho Sở lao động Thương binh – Xã hội trong 30 ngày trước khi tiến hành thôi việc người lao động.
Doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định cắt giảm lao động. Khi cắt giảm, người sử dụng lao động nên trao đổi với người lao động để có sự cảm thông, thống nhất, tránh mâu thuẫn phát sinh. Tương lai, nếu công ty hoạt động tốt, những nhân viên này có thể trở lại phục vụ cho doanh nghiệp mình.
Căn cứ pháp lý:
– Điều 44, 46, 49 Bộ Luật Lao động 2012.
– Điều 13, 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!
Công ty Luật TNHH Hùng Phúc