Một số lưu ý khi doanh nghiệp vay tiền ngoài tổ chức tín dụng

Lượt xem: 589

Vay tiền là biện pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để huy động vốn trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mình. Bên cạnh việc vay từ các tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính, … thì doanh nghiệp còn có thể vay tiền từ cá nhân hay các doanh nghiệp khác. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi lưu ý đến Quý thành viên một số vấn đề khi vay tiền từ các đối tượng này.

1. Hợp đồng vay

Doanh nghiệp và bên cho vay phải thỏa thuận với nhau ít nhất về số tiền vay, kỳ hạn và lãi suất (nếu có). Thỏa thuận đó chính là hợp đồng vay.

Về mặt nội dung, hợp đồng có thể bao gồm các nội dung sau:

– Đối tượng của hợp đồng;

– Số lượng, chất lượng;

– Giá, phương thức thanh toán;

– Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

– Quyền, nghĩa vụ của các bên;

– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

– Phương thức giải quyết tranh chấp.

Pháp luật không có bất kỳ quy định nào bắt buộc về hình thức của hợp đồng này nên các bên xét theo nhu cầu mà có thể lập hợp đồng thành văn bản và công chứng nó.

2. Lãi suất

Doanh nghiệp và bên cho vay được phép thỏa thuận với nhau về lãi suất cho vay nhưng mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

3. Phương thức chuyển và nhận tiền

Trường hợp doanh nghiệp vay tiền của cá nhân thì các bên có quyền thỏa thuận với nhau về phương thức chuyển – nhận tiền sao cho thuận tiện.

Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp vay tiền của doanh nghiệp khác thì các bên không được phép trao nhận tiền mặt với nhau mà phải chuyển khoản vay qua ngân hàng hoặc dùng phương thức khác không dùng tiền mặt.

Vì vậy, trong trường hợp này, bộ hồ sơ vay tiền giữa các doanh nghiệp phải có thêm Giấy ủy nhiệm chi của ngân hàng hoặc chứng từ khác chứng minh thanh toán không dùng tiền mặt.

4. Thuế

Đối với doanh nghiệp đi vay, chi phí trả lãi vay chỉ được tính là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu bảo đảm hai điều kiện dưới đây:

– Lãi suất không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.

– Phải góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp.

Lưu ý:

Chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

– Trường hợp số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ.

– Trường hợp số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn:

+ Nếu doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền vay không được trừ bằng tỷ lệ (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay nhân (x) tổng số lãi vay.

+ Nếu doanh nghiệp chỉ phát sinh một khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền không được trừ bằng số vốn điều lệ còn thiếu nhân (x) lãi suất của khoản vay nhân (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu.

Đối với cá nhân cho vay, thu nhập từ tiền lãi của khoản tiền cho doanh nghiệp vay là thu nhập từ đầu tư vốn và cá nhân cho vay phải chịu thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu này. Quý thành viên có thể tham khảo chi tiết tại công việc “Công thức tính thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn”.

Đối với doanh nghiệp cho vay, khoản tiền lãi từ tiền cho vay sẽ được bù trừ vào khoản chi trả lãi tiền vay của doanh nghiệp đó; phần chênh lệch (nếu có) sẽ được tính hoặc giảm trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Quý thành viên có thể tham khảo chi tiết tại công việc “Các khoản thu nhập khác”.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Bình luận

Bài viết mới nhất

Có thể bạn quan tâm