Mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm nhãn hiệu

Lượt xem: 453

Sau khi nhãn hiệu đăng ký và được bảo hộ, chủ sở hữu thực hiện nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu của mình, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ sở hữu sẽ không tránh khỏi bị vi phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu từ các bên thứ ba. Vậy trong trường hợp bị xâm phạm quyền nhãn hiệu thì mức bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu là bao nhiêu?

1. Các hành vi được coi là xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu

Theo khoản 1 Điều 129  Luật Sở hữu trí tuệ các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm nhãn hiệu
Mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm nhãn hiệu

2. Xác định mức bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm nhãn hiệu

Khi đã có vi phạm xảy ra thì chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ bị thiệt hại ở mức độ nhất định. Thiệt hại do hành vi xâm phạm nhãn hiệu bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần:

  • Thiệt hại về vật chất bao gồm: Các tổn thất về tài sản; Mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận; Tổn thất về cơ hội kinh doanh; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại.
  • Thiệt hại về tinh thần bao gồm: Các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

Thiệt hại về vật chất và tinh thần là sự tổn thất thực tế về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và được xác định theo các căn cứ sau:

  • Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại: Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là kết quả (sản phẩm) của quyền sở hữu trí tuệ và người bị thiệt hại là người có quyền hưởng lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó.
  • Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích vật chất hoặc tinh thần: Người bị thiệt hại có thể đạt được (thu được) lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó trong Điều kiện nhất định, nếu không có hành vi xâm phạm xảy ra.
  • Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó; cụ thể là: Trước khi xảy ra hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, người bị thiệt hại đã có lợi ích vật chất hoặc tinh thần. Sau khi hành vi xâm phạm xảy ra người bị thiệt hại bị giảm sút hoặc mất lợi ích mà họ đạt được trước khi có hành vi xâm phạm và giữa hành vi xâm phạm và sự giảm sút, mất lợi ích đó phải có mối quan hệ nhân quả. Sự giảm sút, mất lợi ích đó là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.

Khi người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường về tổn thất về tài sản, thì phải nêu rõ giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ tại thời điểm bị xâm phạm và căn cứ xác định giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ đó. Tổn thất về tài sản được xác định theo mức độ giảm sút hoặc bị mất về giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ. Giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo một hoặc các căn cứ sau đây:

  • Giá chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
  • Giá trị góp vốn kinh doanh bằng quyền sở hữu trí tuệ;
  • Giá trị quyền sở hữu trí tuệ trong tổng số tài sản của doanh nghiệp;
  • Giá trị đầu tư cho việc tạo ra và phát triển đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các chi phí tiếp thị, nghiên cứu, quảng cáo, lao động, thuế và các chi phí khác.

Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình, thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường thiệt hại theo một trong các căn cứ sau đây:

  • Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất.
  • Giá trị chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện.
  • Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định nêu trên thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Tòa án ấn định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá 500 triệu đồng.

Trên đây là nội dung liên quan đến mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm nhãn hiệu. Thực tế các vụ việc tranh chấp, khởi kiện liên quan đến xâm phạm quyền nhãn hiệu rất phức tạp. Mọi vướng mắc cần hỗ trợ quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0982 466 166 để được tư vấn trực tiếp và chuyên sâu.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Bình luận

Bài viết mới nhất

Có thể bạn quan tâm