Nghi phạm bắt cóc bé trai 7 tuổi ở Hà Nội và tống tiền gia đình nạn nhân sẽ đối mặt với khung hình phạt nào?

Lượt xem: 180

Liên quan đến vụ việc được dư luận quan tâm trong những ngày gần đây, tại buổi họp báo ngày 15-8, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết đang tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, quê quán: huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) để điều tra về hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thông tin ban đầu về sự việc như sau: Khoảng 19h ngày 14-8, Nguyễn Đức Trung phát hiện cháu C. (7 tuổi, ở khu biệt thự BT7, khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) đang đạp xe một mình nên đã mở cửa xe, khống chế và đưa nạn nhân lên ô tô rồi bỏ trốn. Sau khi bắt được cháu C., Trung đưa về địa phận tỉnh Hà Nam rồi gọi điện cho gia đình nạn nhân, yêu cầu bố mẹ cháu bé phải giao số tiền là 15 tỷ đồng để “chuộc” con.

Ngay sau đó, gia đình nạn nhân đã trình báo với Công an phường Việt Hưng (quận Long Biên- TP Hà Nội) về sự việc. Sau khoảng 10 giờ gây án, Trung đã bị bắt giữ. Thời điểm bị các lực lượng chức năng vây bắt, Nguyễn Đức Trung đã sử dụng súng cao su chống trả gây thương tích cho một cán bộ Đội cảnh sát hình sự Công an quận Long Biên.

Nghi phạm Nguyễn Đức Chung
Nghi phạm Nguyễn Đức Chung

Theo phân tích, đánh giá của Luật sư …Công ty Luật Hùng Phúc, với các hành vi đã thực hiện nêu trên, Nguyễn Đức Trung có thể bị truy cứu trách nhiệm về nhiều tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể như sau:

Thời điểm bị các lực lượng chức năng bắt giữ, Nguyễn Đức Trung đã cầm được số tiền 13 tỷ đồng do gia đình nạn nhân giao để “chuộc” con theo yêu cầu của nghi phạm. Như vậy, hành vi này của Trung có dấu hiệu cấu thành tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Với số tiền chiếm đoạt trên 500 triệu đồng, nghi phạm có thể sẽ phải đối diện với khung hình phạt cao nhất của tội phạm: từ 15 đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Trong quá trình bị vây bắt, Nguyễn Đức Trung còn có hành vi nổ súng làm bị thương một cán bộ công an quận Long Biên. Đối với tình tiết này, Trung có hành vi “dùng vũ lực” để cản trở người thi hành công vụ và gây ra hậu quả làm nạn nhân bị thương tích. Hành vi này thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của “Tội chống người thi hành công vụ” và “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về việc định tội danh trong trường hợp dùng vũ lực chống trả người thi hành công vụ gây thiệt hại về sức khỏe cho nạn nhân. Do đó, tùy thuộc vào quá trình điều tra, xác định mục đích thực hiện hành vi phạm tội và mức độ hậu quả mà Cơ quan điều tra có thể xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Đức Trung về “Tội chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, hành vi tàng trữ, sử dụng súng bắn đạn cao su của Nguyễn Đức Trung cũng có thể bị điều tra, xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt áp dụng là phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Luật sư Đào Thị Khánh Hòa

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Bình luận

Bài viết mới nhất

Có thể bạn quan tâm