NHỮNG CÔNG VIỆC VỀ LAO ĐỘNG – TIỀN LƯƠNG DOANH NGHIỆP MỚI THÀNH LẬP CẦN PHẢI THỰC HIỆN

Lượt xem: 758

Khi mới thành lập, có rất nhiều công việc doanh nghiệp cần thực hiện ngay để hoàn thiện thủ tục. Trong đó những công việc liên quan đến lao động – tiền lương là vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với những công ty có quy mô lớn, cần sử dụng nhiều lao động. Những doanh nghiệp mới thành lập cần quan tâm tới những công việc sau để bắt đầu quản lý và sử dụng lao động đúng pháp luật:

I. Công việc cần thực hiện trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động:

1. Khai trình sử dụng lao động lần đầu

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp phải khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (nếu doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Số lượng người lao động khai trình không bao gồm những người đang thử việc.

2. Thông báo về số lao động làm việc tại doanh nghiệp mới thành lập

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi Thông báo ban đầu về số lao động đang làm việc tại đơn vị về Trung tâm dịch vụ việc làm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

3. Lập Sổ quản lý lao động

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp phải lập Sổ quản lý lao động nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Doanh nghiệp có trách nhiệm ghi chép, nhập đầy đủ thông tin về người lao động khi hợp đồng lao động có hiệu lực và cập nhật thông tin khi có sự thay đổi vào Sổ quản lý lao động.

II. Công việc doanh nghiệp mới hoạt động phải thực hiện:

1. Xây dựng thang lương, bảng lương

Doanh nghiệp nhất thiết phải xây dựng Thang lương, Bảng lương của mình. Đây là cơ sở để thực hiện tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

2. Xây dựng và thông báo Thỏa ước lao động của doanh nghiệp (Nếu có)

Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể người lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.

Thỏa ước chỉ được ký kết khi các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể.

3. Xây dựng Nội quy lao động bằng văn bản

Doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì phải có Nội quy lao động bằng văn bản

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành Nội quy lao động thì doanh nghiệp phải nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký Nội quy lao động với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Sở LĐTBXH) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

4. Thành lập công đoàn cơ sở (Nếu có)

Khi có ý nguyện thành lập Công đoàn tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Công đoàn); thì trước tiên, những người lao động sẽ phải tổ chức Ban vận động thành lập Công đoàn tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Ban vận động) và nên liên hệ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi gần nhất hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ việc thành lập Công đoàn.

5. Khai báo sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (Nếu có)

Doanh nghiệp phải lựa chọn tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động để kiểm định lần đầu trước khi đưa vào sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động – đối chiếu tại Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động ban hành kèm theo Thông tư 53/2016/TT-BLĐTBXH.

III. Công việc khi doanh nghiệp mới hoạt động bắt đầu sử dụng lao động

1. Giao kết hợp đồng lao động

Doanh nghiệp phải giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) bằng văn bản với từng người lao động làm việc cho mình, mỗi bên sẽ giữ 01 bản; trừ các công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng thì các bên có thể giao kết HĐLĐ bằng lời nói

2. Đăng ký cấp mã số thuế thu nhập cá nhân (Nếu chưa có)

Doanh nghiệp chi trả tiền lương, tiền công có trách nhiệm khấu trừ thuế trước khi trả thu nhập cho cá nhân nếu thu nhập đến mức phải nộp thuế. Cá nhân đã có mã số thuế thì cung cấp cho doanh nghiệp, nếu chưa có thì cá nhân có thể tự đi đăng ký cấp mã số thuế và cung cấp cho doanh nghiệp hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp đăng ký thay

3. Đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN lần đầu

Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả người dưới 15 tuổi là đối tượng bắt buộc tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Doanh nghiệp sử dụng người lao động là đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN có trách nhiệm phải đăng ký tham gia các loại bảo hiểm cho người lao động khi ký kết hợp đồng lao động

4. Trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN hàng tháng

Sau khi đăng ký tham gia các loại bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động thì doanh nghiệp có trách nhiệm trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN để đóng hàng tháng cho Cơ quan bảo hiểm

5. Trích nộp kinh phí công đoàn hàng tháng

Hàng tháng, khi doanh nghiệp đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động thì đồng thời cũng phải đóng kinh phí Công đoàn. Đây là nghĩa vụ của doanh nghiệp, không phân biệt là doanh nghiệp đã có hay chưa có tổ chức Công đoàn.

Luathungphuc.vn

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Bình luận

Bài viết mới nhất

Có thể bạn quan tâm