Những điểm mới về xử lý vi phạm hành chính từ năm 2022 cần đặc biệt chú ý

Lượt xem: 634
Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Luật này có nhiều điểm mới đáng chú ý người dân cần biết.

Vi Pham Hanh Chinh

1. Nơi lập biên bản vi phạm hành chính

Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 đã quy định cụ thể địa điểm lập biên bản vi phạm hành chính là phải nơi xảy ra vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Trước đây, Luật năm 2012 không quy định lập biên bản ở đâu, nhưng tại Nghị định 97/2017/NĐ-CP hướng dẫn cách ghi biên bản là ở nơi xảy ra vi phạm hoặc trụ sở làm việc. Về nội dung biên bản: Luật 2020 bổ sung quy định biên bản phải mô tả vụ việc, hành vi vi phạm… Chuyển biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp không thuộc thẩm quyền của người lập biên bản: Luật đã quy định cụ thể trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, người lập biên bản phải chuyển biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt (trước đây chỉ quy định chuyển ngay, không ghi rõ thời gian là bao lâu). Bổ sung quy định về sửa chữa sai sót biên bản vi phạm hành chính: Luật 2020 bổ sung quy định: Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung thì tiến hành xác minh tình tiết vi phạm.

2. Tăng mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực

Tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 đã tăng mức phạt của một số lĩnh vực, gồm: – Giao thông đường bộ; Phòng, chống tệ nạn xã hội tăng từ 40 triệu lên 75 triệu đồng; – Cơ yếu, Giáo dục; Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia từ 50 triệu lên 75 triệu đồng; – Điện lực: từ 50 triệu lên 100 triệu đồng; – Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: từ 100 triệu lên 200 triệu đồng; – Báo chí: từ 100 triệu lên 250 triệu đồng; – Kinh doanh bất động sản từ 150 triệu lên 500 triệu đồng.

3. Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực

Các lĩnh vực này gồm: – Tín ngưỡng; đối ngoại: 30 triệu đồng; – Cứu nạn, cứu hộ: 50 triệu đồng; – In; an toàn thông tin mạng: 100 triệu đồng; – Sở hữu trí tuệ: 250 triệu đồng…

4. Tăng thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thời hạn ra quyết định xử phạt theo Luật năm 2012 bao gồm cả thứ 7, chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết nên thời gian rất ngắn, gây khó khăn cho người xử phạt nhất là lập biên bản vào ngày cuối tuần, nghỉ lễ, tết. Vì thế, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã sửa đổi theo hướng từ tính ngày sang ngày làm việc và tăng thời hạn xử phạt đối với trường hợp phải chuyển hồ sơ, cụ thể: – Đối với vụ việc thông thường, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; – Đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản; – Đối với vụ việc thuộc trường hợp phải giải trình hoặc xác định giá trị tang vật… mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản.

5. Thay đổi thời hiệu xử phạt một số lĩnh vực

Trước đây, chỉ  hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế. Tuy nhiên, theo Luật mới, tất cả vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

6. Bổ sung trường hợp phải tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Theo đó, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây: – Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác; – Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; – Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; – Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; – Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trường hợp tạm giữ người vi phạm hành chính ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ. Đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.

7. Trường hợp hoãn thi hành quyết định phạt tiền

Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định chỉ cá nhân bị phạt tiền từ 03 triệu đồng trở lên mới được hoãn thi hành quyết định phạt tiền, đặc biệt không có quy định đối với trường hợp là tổ chức. Tuy nhiên, Luật mới đã đã sửa đổi, bổ sung thêm tổ chức được hoãn tiền phạt như sau: + Cá nhân bị phạt tiền từ 02 triệu đồng trở lên; tổ chức bị phạt tiền từ 100 triệu đồng trở lên; + Bổ sung trường hợp cá nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn thì phải có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện trở lên. + Đối với tổ chức đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp  hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

8. Bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt

Chẳng hạn, bổ sung thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đoàn trưởng, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội trưởng Đội đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ đội Biên phòng…

9. Bổ sung trường hợp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt

Luật sửa đổi 2020 đã bổ sung trường hợp cưỡng chế khi cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Trong trường hợp khẩn cấp, cần khắc phục ngay hậu quả để kịp thời bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông thì cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ vi phạm hành chính tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả.

Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Mọi thắc mắc cần giải đáp, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0979 80 1111 để được tư vấn chi tiết!

Bình luận

Bài viết mới nhất

Có thể bạn quan tâm